Cẩn trọng với lời mời tri ân khách hàng
Thời gian gần đây, việc tri ân khách hàng đã bị lạm dụng, tùy tiện. Nhiều hội nghị tri ân khách hàng nhưng lại là bán đất nền dự án hay bán phiếu nghỉ dưỡng du lịch. Không ít người dân đã bị thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần khi tham dự những hội nghị trá hình.
Bán đất, bán hàng trá hình
Bà Trần Thị Hoa (59 tuổi, nhà ở phường 4, quận 5, TPHCM) cho biết: “Không biết họ lấy thông tin ở đâu mà biết gia đình tôi thường xuyên đi du lịch. Cách đây hơn chục ngày, tôi nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia là giọng nữ, cho biết đang làm ở công ty du lịch thành phố. Cô ấy mời tôi tham dự hội nghị tri ân khách hàng. Tại hội nghị đó, lãnh đạo công ty sẽ trao cho tôi một combo nghỉ dưỡng tại resort rất nổi tiếng ở Phú Quốc. Đây là sự tri ân với khách hàng đã đi du lịch nhiều lần trong năm. Nghe thấy hợp lý, tôi nhận lời. Đến nơi, tôi mới biết đó là hội nghị bán đất nền ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khách hàng chỉ được tặng combo nghỉ dưỡng khi ký hợp đồng mua nền đất”.
Cách đây chưa lâu, một nhóm đối tượng lạ mặt đi ô tô đến xã Mỹ Hòa (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) liên hệ mượn nhà ông Đ.V.S. (ấp Hòa Bình) làm địa điểm mở hội thảo “bán hàng tri ân”, và nhờ ông S. mời người dân xung quanh đến tham gia. Có gần 30 người, đa số là phụ nữ và người già, đã tập trung tại nhà ông S. Ban đầu, các đối tượng chào hàng, bán các sản phẩm như kem đánh răng, bình xịt côn trùng, trà… với giá từ 300.000-400.000 đồng (giá thực tế chỉ từ 50.000-60.000 đồng). Sau khi có hơn 20 người mua, nhóm này giở bài “tri ân khách hàng” và trả tiền lại cho 9 người. Thấy người dân bắt đầu có hứng thú mua hàng, các đối tượng tiếp tục chào bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng với giá từ 900.000-1.000.000 đồng/sản phẩm (giá thực tế chưa tới 100.000 đồng). Lúc này, Công an xã Mỹ Hòa ập vào kiểm tra. Qua làm việc, những đối tượng này khai là nhân viên của một công ty có địa chỉ tại tỉnh Bình Dương, tuy nhiên không cung cấp được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc của các sản phẩm đang bán. Công an xã Mỹ Hòa đã lập biên bản, xử lý vụ việc.
Luật gia Trịnh Phi Long (Hội Luật gia TPHCM) nêu ý kiến: “Việc lấy danh nghĩa công ty này, công ty khác để mời gọi người dân tham gia sự kiện là không mới. Nhiều người nhẹ dạ đã bị các nhân viên thao túng tâm lý dẫn đến việc đặt cọc, ký hợp đồng để rồi mang vạ vào thân. Xét về pháp luật thì hợp đồng đã ký là hợp pháp, nhưng xét về mặt tình cảm thì quá bất công. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi đặt cọc, ký hợp đồng. Nếu thật sự có nhu cầu thì sử dụng, còn không thì từ chối thẳng”.
Vất vả đòi lại tiền
Vẫn là chiêu trò mời tham dự hội nghị tri ân khách hàng, nhưng trường hợp của ông Nguyễn Văn Phước (76 tuổi, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) lại hoàn toàn khác. Ông Phước cho biết: “Ngày 20-4-2023, tôi nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia mời tôi tham dự hội nghị tri ân khách hàng đã có nhiều chuyến bay với hãng Vietnam Airlines. Do nhu cầu đi lại thường xuyên, trước giờ tôi đều đặt vé của hãng này nên tôi nhận lời tham dự hội nghị diễn ra vào lúc 18 giờ”.
Đúng giờ hẹn, ông Phước đến tòa nhà Pearl 5 trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Đón tiếp ông là các nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Holidays Việt Nam. Tại hội nghị gọi là “Tri ân khách hàng của Vietnam Airlines”, người tham dự được giới thiệu phiếu nghỉ dưỡng du lịch. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng các kỳ nghỉ mỗi năm tại các resort cao cấp. Kỳ nghỉ bao gồm vé máy bay, ô tô đưa đón, tham quan, ăn uống miễn phí… Hợp đồng được ký theo kỳ hạn 20 năm, 10 năm, 5 năm… Ông Phước kể: “Ngay từ đầu, tôi đã nói là mình không có nhu cầu. Tuy nhiên, nhân viên Công ty TNHH Holidays Việt Nam thuyết phục tôi là công ty sẽ hỗ trợ “bán giùm” phiếu nghỉ dưỡng đó cho tôi. Tôi đưa ra thêm lý do là mình đã lớn tuổi, không còn nhiều thời gian để theo đuổi hợp đồng. Họ vẫn thuyết phục tôi ký một hợp đồng với chính sách đặc biệt, đó là kỳ hạn 7 năm với giá trị 130 triệu đồng. Theo bản ghi nhớ, tôi sẽ trả trước 30% là khoảng 39 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán ở ngân hàng với thời gian 18 tháng, không lãi suất. Họ giữ tôi lại, thuyết phục đến hơn 22 giờ đêm. Do mệt và đói, tôi đồng ý ký bản ghi nhớ”.
Ngay trong đêm đó, các nhân viên đã ép ông Phước đóng tiền. Ông Phước móc hết “túi trên, túi dưới” được số tiền gần 10 triệu đồng. Những ngày sau, các nhân viên lại thúc giục ông Phước đóng hết số tiền còn lại. Đến ngày hẹn lên ngân hàng đóng tiền, ông Phước mới biết rằng ngân hàng từ chối hỗ trợ hợp đồng với người cao tuổi như ông. Gần 4 tháng trôi qua với hơn mười lần tới lui Công ty TNHH Holidays Việt Nam, nhưng ông Phước vẫn chưa thanh lý được hợp đồng. Ông Phước bày tỏ: “Cái bảng mà tôi đã ký chưa phải là hợp đồng mà chỉ là tờ “Chính sách đặc biệt tại sự kiện”. Trong trường hợp của tôi, ngân hàng không hỗ trợ thì công ty phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho tôi”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-trong-voi-loi-moi-tri-an-khach-hang-post702538.html