Cẩn trọng với 'ma trận' khuyến mãi cuối năm
Những ngày cận Tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cũng là thời điểm nhiều cửa hàng, hệ thống bán lẻ, siêu thị… đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, có không ít đối tượng kinh doanh lợi dụng chiêu bài 'khuyến mãi' để bán hàng kém chất lượng…
Khuyến mãi thật, giá trị “ảo”
Những ngày này, dạo qua các con phố mua sắm trên địa bàn Thủ đô như Xuân Thủy (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Chùa Bộc (Đống Đa), Bà Triệu (Hai Bà Trưng), Đồng Xuân (Hoàn Kiếm)… không khó để người tiêu dùng bắt gặp những cửa hiệu thời trang, cửa hàng bán đồ điện máy, điện gia dụng… treo các băng rôn, biển giảm giá bắt mắt với các mức “sale” từ 30 - 70%. Thậm chí, nhiều cửa hàng, còn “chơi trội” khi tung ra chương trình giảm giá “Mua một tặng một”, “Mua hai tặng một” cho tất cả sản phẩm nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước “ma trận” các chương trình giảm giá, khuyến mãi, nhiều người tiêu dùng khi tiếp cận mới “ngã ngửa”, vì dù đã mua được đồ khuyến mãi qua các chương trình giảm giá “sập sàn”, nhưng nhiều sản phẩm vẫn đắt hơn hoặc ngang bằng sản phẩm cùng loại tại các cửa hàng khác. Trong khi đó, nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng là mong đợi dịp khuyến mãi cuối năm để “săn” đồ giảm giá, nhiều cửa hàng lợi dụng dịp này để xả hàng tồn kho, hàng lỗi mốt, thậm chí hàng giả, hàng nhái, khiến không ít người tiêu dùng ôm “trái đắng” với các sản phẩm giảm giá.
Chị Ngọc Anh ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, dịp cuối năm do có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được quảng cáo rầm rộ nên chị đã tới tại một cửa hiệu trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy mua sắm. Lựa chọn một đôi giày cao gót bày trên kệ, chị Ngọc Anh được nhân viên bán hàng giới thiệu, đôi giày được làm từ da bò “xịn” nhập khẩu và có mức giá 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, nhân viên bán hàng cũng cho biết, do đang trong thời điểm khuyến mãi cuối năm, nên sản phẩm này được giảm giá đến 50%.
“Theo giá khuyến mãi, đôi giày trị giá 5,5 triệu đồng sau khi giảm 50% chỉ còn lại khoảng 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ thì tôi thấy chất liệu da cũng như mẫu mã sản phẩm là mẫu của những năm trước. Theo tôi nghĩ, cửa hàng đã tự nâng giá lên để rồi giảm giá bán các sản phẩm cũ, tồn kho và lỗi mốt. Trong khi đó, cũng với giá tiền trên tôi có thể lựa chọn được nhiều sản phẩm tương đồng nhưng chất lượng, mẫu mã còn tốt hơn nhiều”, chị Ngọc Anh cho hay.
Cũng chia sẻ về các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm, anh Đỗ Mạnh Tiến, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay, hưởng ứng chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm cuối năm, rất nhiều cửa hàng từ thời trang, đến điện máy, đồ gia dụng, thực phẩm… trên địa bàn Hà Nội tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Tuy nhiên, một “chiêu” các cửa hàng thường áp dụng là đẩy giá lên cao rồi gắn mác giảm giá 50%-70% để “câu” khách. Trong khi đó, người mua thường bị “hút” vào chiêu quảng cáo “số lượng có hạn”, “sale sập sàn” mà quên đi giá trị thực và chất lượng sản phẩm.
“Nhiều cửa hàng treo băng rôn, áp phích bắt mắt, dòng chữ “sale off to 70%”, “giá chỉ từ 99 nghìn đồng”… nhưng khi vào trong mới biết hàng khuyến mãi chỉ có rất ít, thậm chí là những sản phẩm tồn kho, lỗi mốt, lẻ size, thậm chí chất lượng kém”, anh Tiến nói.
Cẩn trọng với hàng khuyến mãi trên mạng xã hội
Dịp cuối năm, các chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn không chỉ được các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh triển khai rầm rộ ở các cửa hiệu, cửa hàng, trung tâm thương mại… mà các chương trình này còn được đẩy mạnh quảng cáo qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, đây cũng chính là “lỗ hổng” để các đối tượng gian thương lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng bán các sản phẩm giả, nhái, sản phẩm kém chất lượng.
Đơn cử như thời điểm tháng 10, tháng 11/2023 vừa qua, người dùng mạng xã hội Facebook thường xuyên thấy xuất hiện các tin, bài quảng cáo về sản phẩm tai nghe không dây và loa Bluetooth mang thương hiệu Marshall, Samsung (sản xuất tại Nhật Bản)... được giảm giá sâu lên đến 70%, từ mức gần 4 triệu đồng/sản phẩm, xuống còn 549 nghìn đồng/sản phẩm. Thậm chí, để tạo niềm tin với người tiêu dùng, các đối tượng đã làm giả nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng, rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng tai nghe thực sự có chiến dịch khuyến mãi dịp cuối năm…
Trước thực trạng khuyến mãi ồ ạt trên thị trường cũng như trên môi trường online, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền mạnh hơn nữa những quy định về hoạt động khuyến mãi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công khai quy trình đăng ký, việc tổ chức các hoạt động khuyến mãi cũng như bố trí nhân lực tiếp nhận hồ sơ thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mãi. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng kém chất lượng.
Các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về hoạt động khuyến mãi, như: Công khai các thông tin về tên gọi, địa bàn hoạt động, thời gian khuyến mãi, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và số lượng quà tặng, khuyến mãi…và phải được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay qua mạng xã hội, cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mãi, thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm. Đặc biệt, cần mạnh dạn thông báo đến Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, bồi thường các thiệt hại khi phát hiện quyền lợi của mình bị xâm phạm, hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm hoạt động kinh doanh của các đối tượng lừa đảo để kịp thời xử lý.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-trong-voi-ma-tran-khuyen-mai-cuoi-nam-164683.html