Cẩn trọng với nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau 'cơn đại hồng thủy'

Cơn lũ lịch sử diễn ra trong cơn bão số 3 đã gây thiệt hại về người, tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay, sau khi nước rút, người dân các địa phương phía Bắc còn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, nếu không có các biện pháp ngăn ngừa cụ thể.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng giúp nhân dân trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh sau cơn bão số 3. Ảnh: Nông Tuấn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng giúp nhân dân trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh sau cơn bão số 3. Ảnh: Nông Tuấn

Cẩn trọng với dịch bệnh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông...), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn... Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

Trước tình trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo việc thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây truyền cho con người. Thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình. Dọn sạch bùn đất, rác thải tràn ngập ngay sau khi nước rút. Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng sẽ làm mất chỗ trú ẩn, sinh sôi của các côn trùng truyền bệnh. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại, không đưa vật nuôi ốm, chết và các chất thải của chúng ra môi trường khi chưa xử lý.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng cho biết: "Sau khi tiếp xúc với nước bẩn ngập úng thì về nhà, rửa sạch người bằng xà phòng sẽ tránh được các bệnh da liễu. Khi có các dấu hiệu mẩn ngứa, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời".

Bên cạnh các biện pháp bảo vệ sức khỏe nêu trên, chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, thời tiết mưa bão không ra ngoài được thì người dân cần chọn những môn thể thao phù hợp trong nhà để duy trì luyện tập tăng cường thể chất. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng bảo vệ cơ thể, tăng đề kháng trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, thời tiết ẩm ướt là môi trường để muỗi và côn trùng sinh sôi, phát triển. Do đó, Bác sĩ Khanh khuyến nghị người dân cần giữ nhà cửa khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, có thể dùng thuốc xịt chống muỗi, bôi kem chống muỗi và ngủ màn để tránh bị muỗi, côn trùng đốt...

Lên phương án đề phòng các bệnh dịch sau bão

Ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đã có văn bản số 5400/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Cán bộ y tế phun chất khử khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh tại nhà dân, sau khi dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Ảnh: Thái Nguyễn

Cán bộ y tế phun chất khử khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh tại nhà dân, sau khi dọn dẹp vệ sinh sau lũ. Ảnh: Thái Nguyễn

Trong công văn, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, như rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương; rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt. Giao trách nhiệm cho UBND các cấp và các đơn vị liên quan chỉ đạo phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Đồng thời, đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt. Thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm "nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó"; tổ chức thu gom, xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.

Ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh 2 tấn Cloramin B, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đồng thời, hướng dẫn người dân về xử lý nguồn nước sinh hoạt đã bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-trong-voi-nguy-co-bung-phat-dich-benh-sau-con-dai-hong-thuy-post481062.html