Cẩn trọng với những bất trắc có thể gặp ở sân bay
Không phải ngẫu nhiên ngành hàng không có một quy định 'hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ'. Vậy làm thế nào để tự phòng vệ, tránh xa những rắc rối?
Câu chuyện thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận những ngày gần đây là sự việc một nhóm tiếp viên hàng không bị phát hiện “xách tay” 11kg ma túy về Việt Nam.
Theo lời khai ban đầu của những người vận chuyển, họ được trả tiền công từ một người chưa xác định danh tính, để “xách tay” một số hàng hóa về nước. Họ chỉ kiểm tra qua loa một vài tuýp kem trước khi thực hiện phi vụ và bị phát hiện, bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Dù chưa có kết quả điều tra chính thức, song câu chuyện này cũng khiến nhiều người giật mình về một vấn đề hết sức cơ bản: Sự cảnh giác với nạn buôn lậu bằng đường hàng không.
Sân bay vốn là nơi rất đông đúc và phức tạp. Kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng môi trường này để thực hiện hành vi phạm pháp.
Không hiếm người đã vướng vào rắc rối khi nhận lời cầm giúp một ai đó túi đồ để đi qua cửa soi chiếu an ninh.
Thậm chí, cho tới khi bị mời vào làm việc và kiểm tra hành lý, mới vỡ lẽ đã quá hớ hênh, để đối tượng xấu đánh tráo đồ đạc. Mục đích của chúng là lên kế hoạch phòng ngừa nếu bị lộ, khi lực lượng an ninh phát hiện chất cấm, sẽ có người làm “con tốt” thế thân để cao chạy xa bay.
Không phải ngẫu nhiên ngành hàng không có một quy định “hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ”. Ở các sân bay cũng thường xuyên có khuyến cáo bằng chữ và âm thanh qua loa về các thủ đoạn lừa đảo thường thấy để hành khách phòng tránh.
Vậy làm thế nào để tự phòng vệ, tránh xa những rắc rối?
Điều đầu tiên cần thuộc nằm lòng, đó là chớ ngây thơ, cả tin khi tiếp xúc với người lạ. Thủ đoạn của tội phạm ngày một tinh vi, xảo quyệt, họ có thể sử dụng người cao tuổi, phụ nữ mang thai giấu chất cấm vào những đồ vật quen thuộc tưởng vô hại là lon nước, hộp bánh trẻ em… để tiếp cận và nhờ vả bạn. Đôi khi chúng sẽ lấy lý do hành lý quá cân, để nhờ gửi hàng hóa.
Để đảm bảo an toàn, khi ở sân bay, bạn tuyệt đối không vì lòng tốt mà nhận bất cứ thứ gì người khác đưa, hãy từ chối luôn việc cầm, nắm, trông hộ, xách hộ đồ đạc cho bất kỳ ai, kể cả họ có nài nỉ, trình bày hoàn cảnh ra sao.
Bên cạnh đó, bạn cần trông coi hành lý xách tay cẩn thận, đừng quá đắm đuối nhìn điện thoại, đặc biệt là thời điểm đi vệ sinh, hay khi qua máy soi chiếu an ninh, cần đảm bảo đồ đạc của bạn ở các khay tách rời, không lẫn lộn với đồ người khác.
Hãy thận trọng khi có ai đó tiếp cận, cố tình gây ra va chạm hoặc vờ hỏi đường, khiến bạn xao nhãng và bối rối. Đây đều là các thời điểm tội phạm thường lén đánh tráo hoặc nhét chất cấm vào túi đồ của bạn.
Nếu lần đầu đi máy bay, hoặc chưa có kinh nghiệm bay, thường xuyên bỡ ngỡ khi tới nơi đông người, bạn nên nhờ người thân, bạn bè am hiểu và dày dạn đi kèm, hướng dẫn, nhắc nhở.
Trường hợp có vấn đề xấu xảy ra, hoặc nghi ngờ mình đang vướng vào rắc rối, bạn cần thông báo ngay cho an ninh sân bay. Lực lượng này xuất hiện dày và thường trực tại các khu vực trải đều sân bay, luôn sẵn sàng hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho hành khách khi có yêu cầu.
Rõ ràng, sự cảnh giác không bao giờ thừa khi ra sân bay./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-trong-voi-nhung-bat-trac-co-the-gap-o-san-bay-post1009632.vov