Cẩn trọng với những biến cố âm thầm
Có những căn bệnh, những biến cố diễn tiến âm thầm trong cơ thể như loãng xương, nhiễm virus viêm gan, mắc dị vật nhưng nhiều người không hay biết, đến khi phát bệnh thì đã nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng
Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP HCM) tiếp nhận cấp cứu người đàn ông 61 tuổi nhập viện do đau vùng mông bên trái kèm theo đau nhiều vùng bụng dưới rốn lệch trái, diễn biến sức khỏe xấu, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu vùng hậu môn và lấy ra được dị vật là xương cá dài khoảng 3 cm.
Bất cẩn, chịu cảnh mang hậu môn tạm
ThS-BS Dương Phát Minh, Khoa Ngoại tiêu hóa - BV Nhân dân Gia Định, cho biết người bệnh bị xương cá đâm thủng trực tràng, tạo áp-xe cạnh trái trực tràng. Khoang bụng bệnh nhân có nhiều dịch đục, khoang sau phúc mạc có nhiều mủ lan từ sau trực tràng đến gốc động mạch mạc treo tràng dưới. Đội ngũ phẫu thuật phải xử lý qua 2 bước là rửa bụng, xử lý ổ nhiễm trùng sau đó phải rạch tháo mủ ổ áp-xe ở cạnh trái hậu môn. Người bệnh được đặt ống dẫn lưu bụng, dẫn lưu cạnh trực tràng và làm hậu môn nhân tạo.
Do hậu quả của tình trạng sốc nhiễm trùng nên sau mổ, bệnh nhân phải được điều trị hồi sức tích cực lâu dài để ổn định sinh hiệu, sau đó mới đóng hậu môn nhân tạo để trở về cuộc sống bình thường.
Theo BS Minh, thủng ống tiêu hóa do dị vật (xương cá, tăm xỉa răng) là một tai nạn thường gặp nhưng khó chẩn đoán vì các triệu chứng rất mơ hồ như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… Ngoài ra, người bệnh thường không biết rằng mình đã nuốt phải dị vật nên không có một mốc thời gian cụ thể từ khi nuốt phải dị vật cho đến khi lấy dị vật gây nên biến chứng. Dị vật sau khi nuốt vào có thể mắc kẹt tại bất kỳ vị trí nào và gây những tổn thương khác nhau cho đường tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn.
"Người dân cần cẩn trọng khi ăn cá, lựa xương cẩn thận khi ăn, hạn chế sử dụng tăm xỉa răng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Nếu có nghi ngờ hoặc phát hiện nuốt dị vật thì nên đến bệnh viện sớm để có cơ hội cao lấy dị vật bằng nội soi dạ dày. Hạn chế để lâu sẽ dẫn đến những diễn tiến nặng nề như viêm phúc mạc, áp-xe ổ bụng, nhiễm trùng…" - BS Minh khuyến cáo.
Tại BV Chợ Rẫy cũng vừa phẫu thuật thành công lấy dị vật là xương cá chắn ngang trực tràng bệnh nhân N.A.D (39 tuổi). Điều đáng nói dị vật chỉ là phát hiện vô tình trong lúc anh D. đi khám sức khỏe định kỳ. Anh cũng không biết dị vật lọt vào người anh từ lúc nào cho đến khi thấy đau ê vùng dưới người. Qua chụp CT Scan toàn thân, các bác sĩ phát hiện hình ảnh dị vật cản quang hình que kèm bóng khí, nghi là xương cá nằm ở vùng trực tràng, đâm thủng thành ruột và tạo áp-xe. Các bác sĩ phẫu thuật kịp thời và lấy dị vật khỏi trực tràng, giảm tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Tàn phế thầm lặng
Theo các bác sĩ, nhiều tai nạn xảy ra do bất cẩn trong ăn uống, vận động đang âm thầm "ăn mòn" cơ thể nhưng không phải ai cũng nhận biết để can thiệp kịp thời. Tại BV Đại học Y Dược TP HCM mới đây cũng cứu một người gãy xương nhưng không biết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau vùng cột sống thắt lưng mức độ nặng mới khởi phát. Các bác sĩ chụp X-quang cột sống và đo mật độ xương mới phát hiện bệnh nhân bị loãng xương.
TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp - BV Đại học Y Dược, cho biết ở Việt Nam có khoảng 3,6 triệu người bị loãng xương và con số này sẽ tăng cao trong thời gian tới. Điều đáng nói là có khoảng 80% người bệnh vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây loãng xương ngoài yếu tố không thay đổi được như di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính thì còn do bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận…), thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay té ngã),...
Theo ThS-BS Nguyễn Châu Tuấn, Khoa Nội cơ xương khớp - BV Đại học Y Dược, loãng xương là căn bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng đặc trưng. Chỉ khi mật độ xương giảm nặng dẫn đến những cơn đau dai dẳng hoặc các biến chứng của gãy xương như biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống và các thay đổi như giảm chiều cao, gù… thì người bệnh mới nhận ra.
Gãy xương do loãng xương thường xuất hiện ở các vị trí xương xốp và chịu lực như xương cột sống (cột sống ngực và cột sống thắt lưng), xương vùng hông (cổ xương đùi, liên mấu chuyển) và xương cẳng tay. Đây cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau mạn tính, gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống, để lại nhiều gánh nặng cho việc chăm sóc và điều trị, cũng như làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trên 65 tuổi hoặc nam giới trên 70 tuổi, nữ giới mãn kinh, nam giới từ 50-69 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương, người trên 50 tuổi từng bị gãy xương... cần đo mật độ xương sớm để tầm soát, đánh giá loãng xương và có hướng điều trị kịp thời. Để phòng ngừa loãng xương cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì thói quen vận động cơ thể để tăng sức bền, khả năng giữ thăng bằng và tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.
Chớ xem thường bị gặm nhấm, ăn mòn
Theo TS-BS CK2 Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - BV Nhân dân 115, 75%-80% các trường hợp ung thư gan có liên quan đến viêm gan siêu vi. Tại Việt Nam, viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan với tỉ lệ lên đến 60%-80%. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 21 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C; 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan; 22.000 người tử vong vì ung thư gan.
Đáng ngại là bệnh gan thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. 70%-80% trường hợp viêm gan siêu vi C không có bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy, tầm soát, đánh giá mức độ viêm gan, xơ hóa gan giúp chẩn đoán sớm xơ gan, ung thư gan có vai trò rất quan trọng và cần thiết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/can-trong-voi-nhung-bien-co-am-tham-20221010193838647.htm