Không nên phớt lờ những cảnh báo

Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, cầu Phong Châu nằm trên Quốc lộ 32C bắc qua sông Hồng nối huyện Lâm Thao với huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã bị nước lũ cuốn trôi.

Dòng nước xiết của lũ đã cuốn trôi cả trụ T7 và kéo 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7) xuống dòng lũ đục ngầu của sông Hồng. Điều không may là, theo báo cáo sơ bộ ban đầu, tại thời điểm xảy ra sự cố có đến 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu, gồm 1 ô tô tải, 2 xe đầu kéo, 6 mô tô, 1 xe máy điện. Sự cố này làm ít nhất 8 người mất tích và có 3 người bị thương (được đi cấp cứu kịp thời).

Nguyên nhân của vụ sập cầu chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Song, thêm một lần nữa và qua vụ việc này cho thấy, chúng ta không nên phớt lờ những cảnh báo của giới chuyên môn.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m, đưa vào sử dụng từ năm 1995, trọng tải 18 tấn. Sau gần 30 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp nặng (dù đã được sửa chữa và gia cố 2 lần). Dù đã được cảnh báo và thực tế năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã đề nghị ngành chức năng bố trí kinh phí sửa chữa, nhưng do chưa bố trí được kinh phí nên cây cầu vẫn oằn mình “gánh” những chuyến xe qua lại và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Từ vụ sập cầu Phong Châu, ở tỉnh Phú Thọ, không ít người dân Quảng Ngãi hằng ngày qua lại Cầu Trà Khúc 1 (TP.Quảng Ngãi) nơm nớp lo sợ. Bởi cầu Trà Khúc có “tuổi thọ” gần gấp đôi cầu Phong Châu và cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là, hệ thống móng cọc bê tông bị vỡ, làm lộ lõi sắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhưng không chỉ có cầu Trà Khúc 1 mà một số cây cầu xây dựng lâu năm trên địa bàn tỉnh cũng dần xuống cấp.

Rất nhanh, sau vụ sập cầu Phong Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu tạm) để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế hiện trạng công trình, tình hình mưa, lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác tạm thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; phối hợp với Sở GTVT, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được thuận lợi, an toàn. Cùng với đó là, tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mức độ quan trọng).

Chỉ thị này cần phải được các ngành chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc và kịp thời, vì mùa mưa bão ở miền Trung đang đến rất gần. Trong đó, cần chú trọng đặc biệt đến các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm, các cây cầu trọng yếu, có lưu lượng phương tiện qua lại nhiều… Cẩn trọng vẫn chưa bao giờ thừa!

LINH KHA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/202409/can-trong-voi-nhung-canh-bao-f2c5305/