Cẩn trọng với quảng cáo thổi phồng công dụng thuốc Đông y
Nhiều 'thầy lang' tự phong, không được đào tạo bài bản đã thổi phồng công dụng của thuốc khiến cho người bệnh 'tiền mất, tật mang'.
Quảng cáo thuốc Nam “chữa khỏi bệnh” xuất hiện liên tiếp trên YouTube và mạng xã hội
Thời gian qua, hàng loạt nội dung quảng cáo thuốc Đông y “ba đời chữa khỏi bệnh” được tung lên mạng xã hội với chiêu thức tinh vi. Không ít người bệnh đã nghe theo, vừa mất tiền vừa khiến bệnh trầm trọng do không được chữa trị kịp thời…
Tiền mất, bệnh thêm nặng
Phát hiện mắc u tuyến giáp từ 2018, bà Đ.T.T (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) hàng tháng vẫn đều đặn đi khám và nhận thuốc điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, sau khi xem trên ti vi thấy có quảng cáo nhà thuốc Đông y gia truyền “đặc trị tuyến giáp, bướu cổ”, bà T. chuyển hướng chữa bệnh.
“Nhà có ti vi kết nối mạng nên các cháu hay bật các chương trình lên xem, xen vào đó thường có các quảng cáo bán hàng. Tình cờ có lần tôi nghe thấy thông tin bán thuốc Nam đặc trị tuyến giáp, đúng với triệu trứng mình gặp phải lại cam kết “chữa bệnh dứt điểm”, nên ghi lại số điện thoại và địa chỉ tìm đến”, bà T. kể.
Sau lần khám đầu, bà T. nhận được liều điều trị “lâu dài và kiên nhẫn”, cứ 3 tháng uống thuốc, nghỉ 1 tháng rồi uống lại. Đi kèm với thuốc là danh sách hàng loạt các thực phẩm phải kiêng như: Tôm, cua, cá, ốc, thịt bò, thịt gà, chim bồ câu…
“Họ cam kết nếu theo đúng hướng dẫn sẽ tiêu, thu nhỏ kích thước, giảm số lượng các khối u trong cơ thể, ngăn chặn khối u tái phát… Thế nhưng sau 1 năm dùng thuốc, tôi tới bệnh viện tái khám, bác sĩ thông báo buộc phải phẫu thuật gấp khi các khối hạch đã tràn ra đầy cổ, chuyển sang giai đoạn ung thư”, bà T. bày tỏ nỗi ân hận.
Tương tự, bà V.T.M (Quang Minh, Kiến Xương, Thái Bình) cũng vừa phải nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình trong tình trạng viêm phế quản, tím tái, khó thở. Qua tìm hiểu, bà M. cho biết, trước đó đã nghe lời quảng cáo, tìm mua thuốc Nam điều trị hen suyễn.
“Gọi điện theo số điện thoại trên ti vi (thực chất là quảng cáo trên YouTube - PV), nhân viên tư vấn bảo thuốc này vừa điều trị hen suyễn lâu ngày không khỏi, vừa chữa được xương khớp người già nên tôi mới tin và đặt mua. Hai tháng họ lại gửi thuốc về tận nhà với giá hơn 2 triệu đồng/lần”, bà M. thông tin.
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu sau khi uống thuốc Nam với biểu hiện bụng chướng đau dữ dội. Kết quả thăm khám cho thấy, trong dạ dày của bệnh nhân có vết thủng to bằng đầu ngón tay cái khiến thức ăn tràn vào khoang bụng, gây viêm nhiễm phúc mạc. Các bác sĩ phải phẫu thuật gấp, bơm rửa sạch ổ bụng, khâu lỗ thủng dạ dày, dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân.
BS. Nguyễn Bá Trình, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy chia sẻ, đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do tự ý sử dụng thuốc Nam để chữa xương, khớp. “Nguyên nhân khi thuốc Nam được phối trộn corticoid, người bệnh sẽ cảm thấy rất nhanh dịu cơn đau, giảm sưng tấy, nhức mỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian sẽ có những triệu chứng từ buồn nôn, chán ăn, đau thượng vị tới là loét dạ dày - tá tràng, thủng đường tiêu hóa”, BS. Trình cảnh báo.
Nguy hiểm quảng cáo “Đông y gia truyền chữa khỏi bệnh”
Quảng cáo thuốc đông y trên xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội
Theo ghi nhận của PV, thời gian qua, hàng loạt quảng cáo thuốc Đông y gia truyền chữa trị đủ các loại bệnh như: Sỏi thận, xương khớp, hen suyễn, tiểu đường… xuất hiện tràn lan trên YouTube và Facebook với khẳng định “chữa khỏi bệnh sau khi bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không hiệu quả” hay “không lấy tiền nếu chữa bệnh không khỏi”!
Những quảng cáo này thường để lại số điện thoại, mời gọi người dân gọi điện để tư vấn miễn phí. Thậm chí để tăng niềm tin với khách hàng, nhiều quảng cáo còn thực hiện chiêu trò cắt ghép với hình ảnh của biên tập viên, phóng viên đài truyền hình, làm giả bản tin thời sự.
Các chuyên gia chia sẻ, thuốc Nam là một trong những thế mạnh của nền y học Việt Nam. Tuy nhiên, vì mục đích trục lợi, nhiều “thầy lang” tự phong, không được đào tạo bài bản đã thổi phồng công dụng của thuốc khiến cho người bệnh “tiền mất, tật mang”.
BS. Phạm Thúy Hường, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh, nhiều loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc có thể bị trộn lẫn tân dược như corticoid, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen... Đáng chú ý, việc điều trị bệnh nhân dùng thuốc Nam trộn corticoid còn khó khăn hơn nhiều lần so với thông thường bởi không thể định lượng được hàm lượng thuốc đã được sử dụng.
“Có thể liều lượng thuốc trộn trong từng thang thuốc không lớn nhưng do bệnh nhân lại bôi hoặc uống trong một khoảng thời gian dài từ vài tháng tới 1 năm. Ngay cả khi đã có biểu hiện điển hình của hội chứng Cushing là phù nề mặt, người bệnh vẫn tin rằng, thuốc Nam có tác dụng... giữ nước. Thậm chí có người nghĩ bệnh tình của mình thuyên giảm, ăn ngon, ngủ tốt hơn nên đã béo lên”, BS. Hường cảnh báo.
Điều tra, xử lý quảng cáo thuốc Đông y sai sự thật trên mạng xã hội
Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, Cục không hề cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho những loại thuốc cam kết “chữa khỏi”, “chữa khỏi hoàn toàn” như trên các trang mạng xã hội đăng tải. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng để vào cuộc điều tra, xử lý nhiều sản phẩm vi phạm, thậm chí có những vụ việc có người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng chưa đúng, gây hiểu lầm công dụng chữa bệnh...