Cẩn trọng với thiên tai, dốc sức, chung tay giúp dân

Mưa lớn liên tục những ngày qua đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho người dân các địa phương. Đáng lo ngại, hiện nay đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất sẽ còn rất cao, nguy cơ thiệt hại có thể còn lớn hơn nữa. Dốc sức chung tay giúp dân khắc hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với những diễn biến thời tiết rất phức tạp, khó lường thời gian tới là những thông điệp đang được Chính phủ gửi tới các địa phương lúc này.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 29 đến sáng 31/7/2024, ở miền Bắc có mưa lớn gây ra sạt lở đất, ngập lụt làm thiệt hại về người và tài sản ở nhiều địa phương.

Sáng 31/7, theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, Chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên mưa lũ lớn, sạt lở đất từ ngày 29 - 30/7/2024 đã gây thiệt hại khiến 6 người chết trong đó Hà Giang 2, Điện Biên 2, Thái Nguyên 1, Bắc Giang 1; 1 người mất tích (Sơn La) và 2 người bị thương (Bắc Kạn). Có 82 nhà bị sạt lở taluy dương, ngập lụt, hư hỏng trong đó Điện Biên 35, Bắc Kạn 15, Cao Bằng 2, Sơn La 4, Lạng Sơn 26; 18 nhà di dời khẩn cấp. 71,25 ha lúa bị ngập trong đó Điện Biên 37,25 ha, Bắc Kạn 13 ha, Cao Bằng 21 ha; 10,9 ha hoa màu bị ngập, ảnh hưởng, thiệt hại, 200 con gia cầm, gia súc bị chết…

Mưa lũ khiến 51 điểm bị sạt lở với tổng khối lượng đất, đá khoảng 5.308 m3 trong đó Điện Biên 1998 m3, Bắc Kạn 437 m3, Cao Bằng 1.973 m3, Lạng Sơn 900 m3…. Cụ thể như mưa lớn kéo dài đã xảy ra trận lũ quét bất ngờ tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khiến 7 người tử vong và mất tích. Tính đến 30/7, vẫn còn 3 người chưa được tìm thấy. Từ đêm 30 cho đến sáng 31/7, tại Bắc Kạn, sau 3 ngày mưa liên tục, đất ngấm no nước, nhiều tuyến đường huyết mạch ở Bắc Kạn tê liệt vì sạt lở, đe dọa an toàn người đi đường.

 Lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm người dân mất tích do mưa lũ, đất sạt lở vùi lấp ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm người dân mất tích do mưa lũ, đất sạt lở vùi lấp ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Trước đó, sau nhiều ngày mưa liên tiếp, đến đêm 24 rạng sáng 25/7 đã gây ra lũ quét lớn tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, khiến hàng chục người chết, mất tích; hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp. Hay tại xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, mưa lũ, sạt lở đất từ ngày 22 - 25/7 đã làm 6 người dân mất tích ở các bản Hua Pư và Pá Hốc.

Thiệt hại cũng rất lớn tại nhiều địa phương thời gian qua khi mưa lớn liên tục gây ra hàng loạt các vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng. Đồng thời lũ cũng xảy ra nhiều hơn. Từ tháng 6 đến nay, trên các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn. Hàng loạt các sông suối đỉnh lũ đã lên báo động 2 - báo động 3 như sông Gâm, sông Lô (tại Hà Giang), sông Nậm Pàn, sông Mã (Sơn La), sông Đáy (Phủ Lý), sông Nậm Mức (Điện Biên).

Đáng chú ý nhất là đợt lũ ngay trong các ngày 23 - 26/7 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 2, hàng loạt các hồ thủy điện lớn đã phải xả lũ liên tiếp. Theo đó lũ ở đồng bằng Bắc Bộ lên cao, mực nước trên sông Hồng qua Hà Nội đã cao hơn cả đỉnh lũ lớn nhất năm ngoái. Sông Bùi qua Chương Mỹ, Hà Nội đến nay vẫn chưa thoát được lũ, ngập lụt trên diện rộng.

 Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Sơn La.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Sơn La.

Tình hình còn đáng quan ngại hơn nữa khi theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12, nhưng mùa mưa bão năm 2024 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định là diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của La Nina. Đặc biệt, hiện nay đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt dự báo tháng 8 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, năm nay mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét. Thực tế ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30 - 80%. Một số nơi còn cao hơn 80 - 100%. Đặc biệt tại Bắc Quang, Hà Giang và Quảng Hà, Quảng Ninh lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1105 – 1271 mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Do có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nguy hiểm.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo khoảng tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ còn diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, tháng 9 - 11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10 - 30%. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này. Lượng mưa cao sẽ làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cục bộ, ngập úng đô thị.

Rõ ràng từ hệ quả nặng nề những tháng mưa lũ vừa qua, từ dự báo diễn biến thiên tai còn phức tạp, khó lường hơn nữa vào những tháng sắp tới, thấy rõ việc đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường, nhất là các loại hình thiên tai nguy hiểm như sạt lở đất, lũ quét là điều không bao giờ thừa.

Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới, đã nhấn mạnh tới việc không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước thiên tai. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.

Trước đó, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 hồi tháng 5/2024, nghĩa là ngay đầu mùa mưa lũ 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đặc biệt lưu ý những điểm tồn tại cần khắc phục trong cả nhận thức của người dân và các ngành, các địa phương đó là sự lơ là, chủ quan trước thiên tai; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước mùa mưa bão không phải nơi nào cũng làm tốt... Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Như vậy, trong tất cả các thông điệp, lãnh đạo Chính phủ đều đặc biệt lưu ý, nhắc nhớ tới việc không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước thiên tai, sự chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trước mọi tình huống…

Những sự vụ đau lòng do mưa lũ, sạt lở mới đây là những bằng chứng đau xót cho thấy, mọi sự chủ quan trước thiên tai đều phải trả những cái giá rất đắt, không chỉ là thiệt hại khôn lường về kinh tế, an sinh xã hội mà còn cả những mất mát không thể lấy lại được của sinh mạng con người.

Vì thế, một thông điệp không mới những thiết nghĩ luôn cần được nhắc lại và ghi nhớ: Cẩn trọng trước thiên tai đồng thời, dốc sức, chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua mưa lũ, không chỉ là tình cảm sẻ chia giữa người dân với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn là trách nhiệm của chính quyền mỗi địa phương dốc sức hỗ trợ dân khắc phục, ổn định cuộc sồng sau thiên tai bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.

Trang Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-trong-voi-thien-tai-doc-suc-chung-tay-giup-dan-post305836.html