Cẩn trọng với thiên tai những tháng cuối năm
1. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, liên tục những ngày qua tại một số tỉnh thành phía Bắc đang hứng chịu đợt mưa lũ tàn khốc, gây thiệt hại không nhỏ về người và của, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, kinh tế của người dân. Riêng tại Bình Thuận, ảnh hưởng của hoàn lưu bão khiến mưa lớn trên diện rộng liên tục nhiều ngày.
Mới đây nhất, trong ngày 27/7, khu vực các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, TP. Phan Thiết đều đã có mưa, có nơi mưa vừa. Ngay tại các điểm đã từng sạt lở, cát tràn chưa lâu tại đường ĐT 706 B thuộc phường Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết) trong buổi sáng sớm ngày 27/7 đã tiếp diễn tình trạng cát trên đồi đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông. Đồng thời cát tràn vào khu vực quán ăn ven đường gây lấp bàn ghế…
Để khắc phục tình trạng này, TP. Phan Thiết đã huy động phương tiện khẩn trương dọn dẹp, thông đường, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Còn ở xã Thắng Hải (Hàm Tân), ảnh hưởng bão số 2 những ngày qua đã xảy ra tình trạng sóng lớn, gió mạnh kết hợp với triều cường làm bồi lấp cát tại khu vực này và tàu thuyền đánh bắt hải sản không vào neo đậu được. Đồng thời, gây sạt lở nghiêm trọng tại phía bờ Nam (giáp khu vực dự án Công ty Lạc Việt). Hiện nay, dòng chảy bị lệch nên tàu thuyền ra vào không thuận lợi, mất an toàn…
Chưa dừng lại ở đó, trong khi thông tin dự báo những ngày tới tại khu vực các địa phương trên sẽ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy từ 20 - 40 mm. Điều này đồng nghĩa với ảnh hưởng của mưa lớn sẽ khiến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, sườn dốc. Đồng thời, lũ quét, ngập úng cục bộ tại khu vực ven sông suối lưu vực sông La Ngà và các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, TP. Phan Thiết, Bắc Bình, Hàm Tân. Các công trình, nhà cửa bị ảnh hưởng do mưa lớn, đường sá ngập, các khu dân cư ven các sông suối nhỏ, vùng sườn đồi dốc đặc biệt lưu ý. Mặt khác, do tác động của mưa lớn có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ảnh hưởng hoa màu, đất sản xuất. Ngập úng ảnh hưởng quá trình di chuyển của các phương tiện giao thông. Ở trên biển, thời tiết cũng diễn biến phức tạp do gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển. Tại đảo Phú Quý trong ngày 27/7 có gió giật cấp 7, ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền đánh bắt trên biển…
2. Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 diễn ra trong tháng 7/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã đánh giá, thời gian qua số lượng tai nạn, sự cố trên biển gây chết người ngày càng tăng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, căn cơ để kéo giảm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền trước khi ra biển hoạt động còn khó khăn, chưa thường xuyên. Việc phòng ngừa, ứng phó, xử lý, khắc phục thiệt hại do thiên tai, sự cố xảy ra của các cấp, các ngành chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có các vụ việc như cháy tàu tại Phú Hài, sạt lở taluy, cát tràn khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành tại TP. Phan Thiết, sạt lở khu vực Đa Mi, quốc lộ 55…
Trong khi đó, theo dự báo năm 2024 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Vì vậy, để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, kho tàng, doanh trại, các khu vực sườn đồi dốc, ven sông, suối, các tuyến đường giao thông trên địa bàn mình quản lý để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn hoặc ngập lụt, lũ quét và giải pháp phòng ngừa, cảnh báo. Phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ven sông, suối, ven biển, sườn đồi dốc. Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ theo đúng quy định pháp luật. Khẩn trương rà soát các hệ thống ao hồ và các khu vực ven biển nguy hiểm trên địa bàn có nguy cơ xảy ra đuối nước.
Đối với các huyện miền núi như Đức Linh, Tánh Linh tăng cường tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, tránh sét cho người dân và rà soát các khu vực thường xuyên mưa giông, xảy ra sét để có giải pháp đầu tư xây dựng công trình phòng, tránh hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng phối hợp kiểm tra thực tế, kèm theo giải pháp xử lý (trong đó có giải pháp căn cơ, lâu dài đối với dự án Sentosa). Yêu cầu chủ đầu tư các khu vực dự án du lịch, công trình ven biển tại vị trí có địa hình cao, trên đồi, trực tiếp đấu nối vào tuyến đường giao thông, gần khu dân cư bố trí lực lượng túc trực, có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, công trình, môi trường trong khu vực khi mưa lũ, thiên tai, sự cố xảy ra. Các đơn vị liên quan cần có biện pháp xử lý cát tràn trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, ĐT719 nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn gây cát tràn theo thẩm quyền quy định. Cùng với những biện pháp ấy là sự cẩn trọng với diễn biến thiên tai những tháng cuối năm để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hạn chế tối đa thiệt hại cho nhân dân.