Cần tu bổ, tôn tạo quần thể Di tích Lê Thì Hiến

Là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993 nhưng quần thể Di tích bia và lăng mộ Lê Thì Hiến hàng trăm năm tuổi ở thôn Phú Hào, xã Thọ Phú (huyện Triệu Sơn) vẫn đang chờ được trùng tu, tôn tạo.

Một trong những tấm bia quý còn sót lại ghi công trạng của các danh tướng đời Lê trong Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Lê Thì Hải đang nằm giữa tường rào của một hộ dân trong xã.

Vị tướng hết lòng vì dân, vì nước

Danh tướng Lê Thì Hiến (1610-1675) là một tướng tài thời vua Lê Thần tông. Ông sinh ở làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là một trong những vị tướng có tài thao lược quân sự. Trong sự nghiệp binh đao của mình, ông đã được triều hậu Lê phong tặng nhiều huân danh cao quý như: Đô đốc Đồng tri, tước Hào Quận Công, rồi thăng Hữu Đô đốc.

Theo “Văn tài võ lược xứ Thanh”, từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, trác tuyệt, học thông kinh sử, lớn lên làu làu binh thư thao lược, văn võ toàn tài, được sự dìu dắt của người anh trai làm Đô đốc đồng tri Đinh Quận công, Lê Thì Hiến trưởng thành nhanh chóng.

Trong sự nghiệp binh đao, ông luôn là vị tướng có tài thao lược, đánh đông dẹp bắc đều thắng, suốt cuộc đời việc quân binh không sai sót, quân lệnh như sơn, khiến kẻ thù “kinh hồn bạt vía”.

Năm Kỷ Hợi 1659, ông được phong Thiếu bảo, trấn thủ Nghệ An, Sơn Tây, Tuyên Quang. Năm Giáp Dần 1674 được thăng Thái phó. Ông mất năm Ất Mão (1675), hưởng thọ 66 tuổi, được truy tặng Thái tể, tên thụy là Nghiêm Trí, phong làm phúc thần.

Hào Quận công Lê Thì Hiến con cháu đông đúc, công trạng khắp thế gian, làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng đời sau, con cháu đời đời phúc lộc dồi dào. Tưởng nhớ công lao của vị tướng quân hết lòng vì dân, vì nước, vua cho xây dựng văn bia, lăng mộ, nhân dân đời đời hương khói... nhằm tưởng nhớ công trạng, khí tiết của ông.

Mong được quan tâm đúng mức

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia bia và lăng mộ Lê Thì Hiến rộng khoảng 7,5 ha, xung quang bao bọc bởi dòng sông nhà Lê, phía trước là cánh đồng xanh ngát, khuôn viên bao phủ bởi hệ thống cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm... đã tạo cho di tích một không gian linh thiêng, tĩnh lặng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu di tích, ông Chu Kim Tưởng, cán bộ văn hóa xã Thọ Phú, chia sẻ: Theo tài liệu để lại, khu di tích này gồm tường bao, nghinh môn, đền thờ, bia và lăng mộ. Nhưng trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, thời gian, khu di tích gần như bị phá hủy hoàn toàn. Trước đây, di tích có 18 pho tượng được làm bằng đá khối, đường nét hoa văn chạm khắc tinh xảo, voi đá, ngựa đá ngồi chầu, bia đá... Nay chỉ còn một đôi voi phục, một đôi tuấn mã, hương án, văn bia, sập ngự. Bệ thờ không có mái che nắng, che mưa, không được bảo vệ, nằm trơ trọi với thời gian.

Chỉ vào khu nhà sắp lễ còn nguyên mùi vôi vữa, ông Tưởng cho biết thêm, vừa qua, được tỉnh đầu tư 400 triệu để xây dựng nhà sắp lễ và khu quản lý di tích, nhưng sau khi làm dự toán thì vượt lên trên 1 tỷ đồng, vì vậy, địa phương phải huy động xã hội hóa từ nhiều nguồn khác nhau để hoàn thiện công trình. Nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ làm được một cách sơ sài như vậy. “Chính quyền địa phương cũng như bà con nhân dân đang rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như các nhà hảo tâm để di tích được trùng tu, tôn tạo như đúng giá trị của nó”, ông Tưởng nói.

Rời Di tích bia và lăng mộ Lê Thì Hiến, ông Tưởng dẫn chúng tôi đến thăm thôn 2 nơi có Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Lê Thì Hải - nơi đây còn lưu giữ hai tấm bia đá được xem như những dấu tích quý giá còn sót lại và có ý nghĩa quan trọng đối với ngành điêu khắc đá của Việt Nam. Một tấm ghi rõ công lao hiển hách của danh tướng Lê Thì Hải (1639 – 1716) là con nuôi của Hào quận công Lê Thì Hiến. Ông là danh tướng lập nhiều chiến công ở miền biên cương phía Bắc dưới thời vua Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông... Ông qua đời năm Bính Thân (1716) niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, đời vua Lê Dụ tông, phong tặng hàm Thái phó, thụy hiệu Hùng Tuấn.

Tấm bia còn lại kể về công trạng của các vị tướng họ Lê – được liệt là một trong những tấm bia đặc biệt, hiếm có gồm 3 phần: Mũ, thân và đế. Đặc biệt, thân bia được ghép từ 6 tấm đá xanh, có đường kính rộng khoảng 5m, cao 1,65m, dày 0,31m ghi công các tướng sĩ. Trên thân bia, những hàng chữ Hán được khắc, trạm trổ rất công phu, tinh xảo cùng nhiều họa tiết bắt mắt... Nhưng điều đáng buồn, tấm bia này hiện đang nằm giữa tường rào của một hộ dân trong xã.

Là một trong những hộ gia đình nằm cạnh khu di tích, ông Dương Văn Dương (60 tuổi), thôn 2, xã Thọ Phú bộc bạch: “Nếu di tích Lê Thì Hải được quy hoạch, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước làm đường vào khu di tích. Bà con chúng tôi chỉ mong Nhà nước nhanh chóng quy hoạch, trùng tu, tôn tạo lại để quần thể di tích này xứng tầm với những gì đã được phong tặng. Chứng kiến di tích ngày càng mai một mà thấy xót xa. Cứ như thế này, không biết con cháu đời sau liệu còn được chiêm ngưỡng những giá trị lịch sử - văn hóa quý báu mà ông cha ta để lại không nữa?”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, nói: “Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia bia và lăng mộ Lê Thì Hiến được công nhận từ năm 1993. Dù được Nhà nước quan tâm, nhưng những năm qua di tích này gần như không được trùng tu, tôn tạo gì ngoài làm cái nhà sắp lễ. Hiện nay, muốn phục dựng lại linh vật, nhà che bia, sập... cũng rất khó thực hiện trong một sớm, một chiều bởi cần rất nhiều kinh phí. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể trong việc quy hoạch, trùng tu, tôn tạo để di tích không bị bào mòn bởi thời gian”.

Bài và ảnh: Hoài Thu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/can-tu-bo-ton-tao-quan-the-di-tich-le-thi-hien/111412.htm