Cần tư duy rành mạch về hệ thống pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nướcCần tư duy rành mạch về hệ thống pháp lý đối với doanh nghiệp nhà nước
Dự thảo Luật thay thế Luật doanh nghiệp 2014 đang được Cơ quan soạn thảo trình Ủy ban thường vụ quốc hội và được công bố công khai trên trang web của Quốc hội để lấy ý kiến rộng rãi theo quy định. Tuy nhiên, khi đi sâu nghiên cứu về nội dung Chương IV này trong tổng thể bản dự thảo và hệ thống pháp lý xung quanh việc quản lý, kinh doanh vốn nhà nước, chúng ta sẽ thấy một số vấn đề bất cập, cần được bóc tách, làm rõ.
Dự thảo Luật thay thế Luật doanh nghiệp 2014 này có nhiều điểm tiến bộ, đã được các cơ quan truyền thông nêu bật như đơn giản hóa thủ tục gia nhập, bảo vệ nhà đầu tư, cải thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh và vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp.
Song song với đó, Bản dự thảo này có hai điểm đáng chú ý về cộng đồng doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đó là:
(i) Điều chỉnh khái niệm DNNN (theo đó, DNNN được định nghĩa bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần trên 50%).
(ii) Chỉnh sửa, hoàn thiện Chương IV về DNNN.
Xem xét hai điểm trên, ta thấy xuất hiện những sự chồng chéo, khập khiễng, đặc biệt là ở vai trò và nội dung của Chương IV, đặt trong sự tham chiếu với những văn bản pháp lý hiện có.
Có cần 1 chương quy định về DNNN trong Dự thảo mới?
Tính đến thời điểm này, ngoài 1 chương quy định về DNNN trong Luật doanh nghiệp 2014 (Chương IV), hành lang pháp lý về quản lý, giám sát hoạt động của doanh nhà nước và các doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay có một văn bản luật đặc biệt quan trọng là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật số 69).
Văn bản Luật này quy định rõ về việc đầu tư vốn nhà nước (thành lập mới hoặc đầu tư bổ sung vốn nhà nước); vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện; và các nội dung về giám sát, thanh kiểm tra, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật người đại diện và doanh nghiệp.
Trên cơ sở Luật số 69, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các nghị định hướng dẫn. Dưới hệ thống nghị định này, là hàng loạt các thông tư hướng dẫn từ các bộ, ban ngành liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, tổng quan lại, chúng ta nhận thấy một hành lang pháp lý khá bài bản, đồng bộ trong việc tổ chức triển khai thực thi quyền của chủ sở hữu, quyền, trách nhiệm của Nhà nước/Cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điểm đáng lưu ý là, trong hệ thống pháp lý đó, các quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về DNNN (ở Chương IV) là rất mờ nhạt, thiếu cụ thể và không còn quan trọng sau khi Luật 69 ra đời.
Nếu như vậy, liệu chúng ta có còn cần 1 chương quy định về DNNN trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới hay không?
Trả lời câu hỏi này, cần một tư duy pháp lý rành mạch, đặt trong tổng thể hệ thống pháp lý hiện có.
Tấm áo chung cho mọi loại hình doanh nghiệp
Hiện tại, dự thảo Luật hiện hành và Dự thảo Luật thay thế đang cùng có năm loại hình doanh nghiệp: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần, DNNN, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh.
Cùng với việc mở rộng khái niệm DNNN, Dự thảo mới quy định DNNN sẽ được tổ chức theo loại hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Như vậy, DNNN không phải là một loại hình doanh nghiệp. Khái niệm DNNN chỉ thể hiện quy mô sở hữu, khả năng chi phối của Nhà nước tại một doanh nghiệp.
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã xác định rõ: DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh.
Cơ chế quản trị, điều hành của DNNN cần được thực hiện theo cơ chế tổ chức và hoạt động của loại hình mà doanh nghiệp đó được tổ chức.
Đồng thời đưa ra yêu cầu về tổ chức để thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng: Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
Như vậy, DNNN cũng là một doanh nghiệp (có thể hoạt động theo một trong hai loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần). DNNN không phải và không nên xem là một loại hình doanh nghiệp riêng.
Hai vấn đề của Chương IV
Theo bản dự thảo được công bố, Chương IV Dự thảo bao gồm 22 điều (từ Điều 87a đến Điều 109).
Các điều bao gồm quy định về các nội dung như khái niệm DNNN; nguyên tắc áp dụng luật đối với DNNN; cơ cấu tố chức quản lý; quyền, nghĩa vụ, chế độ làm việc, điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên/chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc, Kiểm soát viên/Ban kiểm soát và vấn đề công bố thông tin (định kỳ và đột xuất) của DNNN.
Nghiên cứu chương này, chúng ta nhận thấy một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, toàn bộ Chương này chỉ đúng với trường hợp DNNN là công ty TNHH (mô hình quản trị Hội đồng thành viên), trong khi DNNN cũng có thể được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (khi đó, cơ quan quyền lực nhất của DN là đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị chứ không phải là Hội đồng thành viên).
Do đó, Dự thảo thiếu sót phần quy định này.
Thứ hai, đối chiếu các quy định tại bản dự thảo này với hành lang pháp lý hiện có của Luật số 69 và các văn bản hướng dẫn, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều quy định bị trùng lặp, chồng chéo (ví dụ quy định về thẩm quyền của HĐTV, quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, công bố thông tin, tiêu chuẩn bổ nhiệm người đại diện/nhân sự Chủ tịch/thành viên HĐTV…).
Sự chồng chéo này có thể tạo nên các xung đột pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.
Như vậy, rõ ràng, nội dung Chương IV dự thảo Luật này vừa thiếu, vừa không cần thiết phải có.
Thay vì việc quy định thành một Chương riêng tại Dự thảo Luật doanh nghiệp mới, các nội dung cần thiết để đảm bảo cho việc Nhà nước/Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực thi các quyền, trách nhiệm của một chủ sở hữu, một nhà đầu tư có thể được bổ sung vào phiên bản Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69 sắp tới.
Văn bản này bắt buộc phải sửa đổi sau khi Luật doanh nghiệp mới được ban hành và để cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khái niệm DNNN.
Thiết nghĩ, một tư duy rành mạch cho hệ thống pháp lý đối với các doanh nghiệp nói chung và quản lý, giám sát DNNN nói riêng là rất cấp thiết và cần được thực hiện ngay trong lần xây dựng Luật doanh nghiệp mới lần này.
Hành lang pháp lý cho việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dưới Luật số 69 đã cơ bản đồng bộ, đầy đủ. Việc xây dựng Luật doanh nghiệp mới không cần thiết phải có các quy định về DNNN theo nguyên tắc tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Các nội dung hiện đang được đưa vào dự thảo này vừa thiếu, vừa chồng chéo và khập khiểng.
(*) Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Ngọ Duy Hiểu (*) - Lê Anh Xuân