Cần ứng xử sòng phẳng với thủy điện
Vẫn cần đưa những dự án thủy điện đảm bảo được các tiêu chí về kinh tế-kỹ thuật và môi trường-xã hội vào Quy hoạch Điện VIII. Đó là cách ứng xử sòng phẳng với thủy điện hay bất cứ dự án thuộc loại hình năng lượng nào khác.
Cho đến nay, không có công nghệ năng lượng nào rẻ bằng thủy điện. Các chi phí vận hành và bảo dưỡng hằng năm thấp so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác. Chi phí thực tế để sản xuất điện của các nhà máy thủy điện ở Việt Nam hiện nay rất thấp, khoảng 2-3 cent/kWh; trong khi giá thành sản xuất điện của các loại hình năng lượng năm 2018 là 1.727 đồng/kWh, tương đương trên 7 cent.
Hiện Việt Nam đang khai thác, vận hành 19.700 MW thủy điện, chiếm 40% công suất và 37% điện năng của hệ thống điện, là nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện nước ta. Không chỉ vậy, thủy điện còn được coi là công trình đa mục tiêu, mang lại lợi ích nhiều mặt và lợi ích lớn hơn nhiều so với việc phát điện ra-thu tiền về.
Xét về mặt hiệu quả vận hành, chỉ thủy điện mới có khả năng vận hành linh hoạt đáp ứng nhanh theo sự thay đổi nhu cầu công suất của hệ thống điện. Nhờ công suất “phủ đỉnh” của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn, như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện mặt trời, điện gió.
Nhờ ưu thế có thể khởi động và phát đến công suất tối đa chỉ trong vòng vài phút, trong khi nhiệt điện phải mất vài giờ hay nhiều hơn, các nhà máy thủy điện có vai trò rất quan trọng trong đóng góp vào công suất “phủ đỉnh” cho hệ thống điện quốc gia.
Đối với Việt Nam thì công suất “phủ đỉnh” đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ mức độ tiêu dùng điện không đồng đều giữa các mùa trong năm, giữa các giờ trong ngày, hệ số không đồng đều của phụ tải có khi lên tới 2-2,5 lần. Do đó, việc san bằng phụ tải rất khó thực hiện nếu như không tận dụng các nguồn thủy điện.
Số giờ phụ tải “đỉnh” của hệ thống điện Việt Nam vào khoảng 1.800-2.500 giờ, các nhà máy thủy điện có đủ điều kiện để vận hành “phủ đỉnh” nên lựa chọn số giờ sử dụng công suất lắp trong khoảng này cho hiệu quả khai thác tối ưu.
Năm 2018, khi Dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng mở rộng, mục tiêu hàng đầu của Dự án này được xác định nhằm “tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia”; tiếp theo mới là các mục tiêu khác như: Khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia…
Còn trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), ngoài vai trò “phủ đỉnh”, thủy điện còn được gắn thêm nhiệm vụ tích năng, tức tích trữ năng lượng điện khi dư thừa trong các giờ thấp điểm.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, hiệu quả vận hành, thủy điện còn đóng vai trò quan trọng trong trị thủy, và được coi là một trong những giải pháp trị thủy hữu hiệu nhất. Chúng ta đều biết, vùng đồng bằng Bắc Bộ, với hệ thống đê bao hàng trăm cây số nhưng cho đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, cứ vài năm bị lũ một lần. Kinh hoàng nhất là các năm 1969, 1971, 1978. Thế nhưng, sau khi có Thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La… những trận lũ đã giảm đi đáng kể.
Mới đây khi xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Tuyên Quang mở rộng, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 khẳng định, mặc dù Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đóng góp rất lớn cho hệ thống điện quốc gia với công suất lắp đặt 342 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là gần 1,33 tỷ kWh, nhưng nhiệm vụ phát điện chỉ đứng thứ 2.
“Còn nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất là tạo dung tích của hồ chứa 1 tỷ m3 để phòng chống lũ”, ông Nguyễn Hữu Chỉnh khẳng định.
Tại miền Trung thời gian qua, một số hồ thủy điện đã phát huy tác dụng cắt, giảm lũ cho hạ du với tổng lưu lượng xả qua công trình trên lưu lượng đỉnh lũ về hồ như sau: Hồ Quảng Trị là 1.130/1.426 m3/s; hồ Hương Điền là 2.500/4.552 m3/s; hồ Bình Điền là 1.873/3.248 m3/s; hồ Sông Bung 4 là 1.873/3.248 m3/s; hồ Đăk Mi 4 là 796/3.149.5 m3/s; hồ Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8 m3/s.
Đặc biệt, trong trận lũ vượt mức lịch sử tại miền Trung mới đây, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương địa phương, UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động nắm bắt kịp thời thông tin dự báo về khí tượng, thủy văn; dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp thẩm quyền, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện tại đây cơ bản an toàn, không gây tác động bất lợi cho hạ du, đặc biệt là các hồ chứa vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã góp phần cắt giảm lũ.
Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) nhận định: Một trong những công dụng lớn của thủy điện ngoài việc khai thác năng lượng là chống lũ, tạo sự an toàn cho hạ du.
Còn TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ccông ty năng lượng Sông Hồng, “không đồng tình khi ai đó nói thủy điện gây ra lũ chồng lũ”.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội khẳng định: “Nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều”.
Hiện tại, trong khi xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch hàng trăm dự án thủy điện giai đoạn 2012-2019, trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các tỉnh rà soát tiềm năng phát triển thủy điện trên địa bàn để tổng hợp, các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Cơ quan này cho biết, đây là 2 quá trình song song, không mâu thuẫn nhau. Một mặt, để ứng phó với biến đổi cực đoan của thời tiết, Bộ Công Thương sẽ không xem xét đề xuất bổ sung các dự án thủy điện nhỏ. Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng sẽ cho tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá tổng thể trên địa bàn.
Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công, cho tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể, trong đó phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi thời tiết khí hậu cực đoan.
Mặt khác, Bộ Công Thương cho rằng, vẫn cần đưa những dự án thủy điện đảm bảo được các tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật và môi trường-xã hội vào Quy hoạch Điện VIII.
Bởi đó là cách ứng xử sòng phẳng với thủy điện hay bất cứ với một dự án thuộc loại hình năng lượng nào khác.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/can-ung-xu-song-phang-voi-thuy-dien/412889.vgp