Cần ứng xử với nhau có văn hóa

Sáng chủ nhật, tôi và nhóm bạn ngồi quán cà phê vỉa hè chứng kiến trận cãi nhau giữa hai phụ nữ nhà nằm cách nhau ở vỉa hè đối diện và nguyên nhân cũng chẳng có gì lớn lao. Chị A vừa mở cổng, đã phát hiện mấy viên phân chó nằm ngay trước bậc thềm nhà mình, liền réo tên chị B gần sát nhà… Nào là cả dãy này chỉ có nhà đó nuôi chó. Có thú cưng giúp mình vui mà không biết giữ cho hàng xóm là cái thứ vô giáo dục. Nào là sống với láng giềng mà không biết điều, coi chừng có ngày nẫu đập chết con chó cho biết tay… Chị B xưng xưng trả lời rằng chó của ai “làm bậy” chứ không phải của mình. Người lớn mà ăn nói thiếu suy nghĩ, tư cách đạo đức còn kém đứa con nít…Thấy không khí có vẻ căng thẳng dần, anh bạn tôi, một thầy giáo về hưu, cũng là người quen của cả hai, bèn bước qua tìm cách “hạ nhiệt”.

Anh phân tích: Anh thấy hai em đều nóng như nhau, thôi bớt lửa đi nào. Cả dãy này chỉ có mình em B nuôi thì có khả năng đây là “hậu quả” của chó nhà. Vì thế, em nên mang đồ qua hốt dọn cho sạch sẽ là hay nhất. Còn em A nên góp ý người khác cho nhẹ nhàng hơn, dù sao cũng là người cùng tổ dân phố, ngày nào vào ra chẳng gặp mặt chào hỏi nhau… Nghe người lớn tuổi nói nhỏ nhẹ mà thấu tình đạt lý, hai bà nhìn nhau cười ngượng ngùng. Sau đó, chị B về nhà lấy chổi và cái hốt rác đựng ít cát mang qua nhà chị A…

Trở lại bàn, anh bạn kể: Gần bảy năm trước, mình cũng nuôi chó. Sau đó, chó bị bọn “cẩu tặc” bắt mất, hai cháu nội khóc mấy ngày nên quyết định không nuôi nữa. Hồi đó, trong hẻm cũng có hai hộ khác nuôi chó, hàng ngày hay thả rông ra đường và thường ị bậy. Nhưng biết chó của ai “đi vệ sinh” lúc nào, thôi thì cứ thấy có “bãi chiến trường” là mình giải quyết sạch sẽ. Có như vậy mới giữ được tình làng nghĩa phố “tối lửa tắt đèn” có nhau, nhà nhà mới sống vui vẻ, thuận hòa.

Lại nhớ hôm uống cà phê sớm trên đường Bà Triệu (phường 7, TP Tuy Hòa), thấy anh chủ quán cơm quét lá rụng trên vỉa hè trước nhà. Quét hết lá nhà mình xong, anh quét tiếp lá trên vỉa hè các nhà chung quanh rồi hốt bỏ vô thùng. Ngồi ngắm thấy anh này hay quá, lo cho nhà mình nhưng cũng không quên ngó qua hàng xóm. Chỉ cần không nhiều lắm những đường chổi, vỉa hè không những thông thoáng mà tình người cũng được gắn kết, bền chặt hơn.

Thời gian qua, TP Tuy Hòa cùng với cả tỉnh tập trung xây dựng gia đình văn hóa, thôn/khu phố văn hóa. Nhiều giải pháp, biện pháp đã được triển khai, chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các tiêu chí mà ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư các cấp đã đề ra. Để việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn/khu phố văn hóa đạt hiệu quả căn cơ, bền vững, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân cùng góp sức để mỗi nhà, mỗi thôn/khu phố là những gia đình, khu dân cư văn hóa đích thực. Muốn vậy, mỗi người dân trong mọi hoạt động, việc làm thường ngày của mình cần phải biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến chung quanh. Việc gì có lợi cho mình nhưng gây hệ lụy xấu, ảnh hưởng không tốt cho người khác, cho cộng đồng thì dứt khoát không làm. Trong giải quyết các mối quan hệ, phải mềm mỏng, lời lẽ đúng mực, không làm người khác tổn thương. Nếu ai ai cũng cẩn trọng, tỉnh táo, biết lùi lại và nhường nhịn một chút trong hành xử các va đập hàng ngày với hàng xóm láng giềng, với người lớn hoặc nhỏ tuổi hơn… thì chắc chắn nội bộ nhân dân sẽ đoàn kết, luôn ổn định, phát triển tốt đẹp.

LỮ VIỆT HOÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/268852/can-ung-xu-voi-nhau-co-van-hoa.html