Cạn vật tư, hóa chất: Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ, bệnh nhân lo 'sốt vó'
Từ hôm nay (1/3), Bệnh viện Việt Đức sẽ hạn chế các ca mổ phiên để ưu tiên vật tư, hóa chất cho việc mổ và điều trị các trường hợp cấp cứu. Theo lãnh đạo bệnh viện, với tình trạng này, người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ.
Mấy ngày nay, nghe tin Bệnh viện Việt Đức cạn kiệt hóa chất, vật tư y tế không ít bệnh nhân vội vàng sắp xếp công việc để lên bệnh viện gấp vì sợ sẽ không được các chuyên gia phẫu thuật. Anh N.M.H. (Hà Tĩnh) cho biết, từ đêm qua, anh đã đưa mẹ lên xe khách để sáng sớm nay có mặt từ hơn 5 giờ sáng xếp hàng chờ khám. Mẹ của anh H. năm nay ngoài 70 tuổi, bị đau cột sống nên đi lại khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật.
Gia đình anh rất lo lắng, thấp thỏm chờ đợi vì không biết liệu bệnh nhân có được nhận mổ. "Kết quả, mẹ tôi được mổ sau hơn 1 tuần nữa. Dù phải đi lại xa xôi nhưng dù sao vẫn được mổ là đã mừng rồi", anh H. chia sẻ.
Còn ông T.V.T. (Thanh Hóa) chia sẻ: "Anh trai tôi bị tai nạn giao thông, vết thương nặng quá, dập hết phần xương chân, đứt gân. Đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nhưng ở đó bác sĩ nói không đủ vật tư y tế để thực hiện mổ xương ca nặng nên chuyển lên đây. Đến Bệnh viện Việt Đức thực hiện xong các thủ tục và đã được đưa vào phòng phẫu thuật trong đêm".
Tuy nhiên, ông T. vẫn băn khoăn "bác sĩ có nói người nhà tôi còn cần tiếp tục can thiệp nhiều lần nữa. Không biết đến khi đó liệu các bệnh viện đã ổn định vật tư y tế mổ cho người bệnh chưa, hay phải đợi thì khổ quá".
Đang ngồi chờ kết quả, ông M.T.Đ (Phú Thọ) cho biết, ông bị tiêu chỏm xương đùi phải ngồi xe lăn. Trước khi đến viện, ông đã tham khảo ý kiến của bác sĩ quen và biết bệnh của ông chắc chắn phải phẫu thuật. Chưa kịp đến Bệnh viện Việt Đức thì nghe tin "hạn chế", ông tức tốc đi khám ngay với hy vọng được lên lịch trong 1-2 hôm nữa. "Bệnh viện thông báo chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, trường hợp của tôi không rõ có được ưu tiên không. Nếu phải chờ thì bệnh của tôi chuyển nặng mất", ông Đ. chia sẻ.
Tại khu vực chờ chụp X-quang của bệnh viện, hàng loạt người bệnh và thân nhân ngồi chờ đợi. Không ít người bày tỏ sự lo lắng với nguy cơ phải hoãn mổ khi không thuộc trường hợp cấp cứu.
Không chỉ bệnh nhân lo lắng, thấp thỏm, việc bệnh viện hạn chế mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất cũng khiến bác sĩ tâm tư. Một bác sĩ phẫu thuật chia sẻ "buồn vì bệnh viện phải hạn chế mổ theo kế hoạch để dồn vật tư y tế cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu".
Vị bác sĩ cho hay còn rất nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ theo yêu cầu cả tháng nay, "lịch đã lên đến cuối tháng 3, giờ tất cả phải hoãn lại". Trước đó, vào đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ông phải "cầm điện thoại lên và báo cho những bệnh nhân của mình ngừng nhập viện chữa bệnh".
Buồn và đau xót, vị bác sĩ chia sẻ khi nhận lại những câu hỏi đầy lo lắng: "Bác sĩ ơi bố cháu đau quá rồi, chờ lâu quá rồi", "Nhưng mà nhà cháu vay mượn mãi mới đủ tiền giờ lại phải hoãn hả bác?"; "Để lâu thế có sao không bác?". Lúc này, bác sĩ chỉ biết động viên người bệnh, mong họ cảm thông, chia sẻ với ngành y tế trong giai đoạn khó khăn này...
Một số bác sĩ cũng cho hay, nhiều bệnh nhân mổ phiên dù là các phẫu thuật không mang tính cấp cứu nhưng đã phải chờ cả tháng mới đến lượt nhập viện và mổ. "Với những trường hợp thuộc diện mổ phiên nhưng phải hoãn mổ, nếu người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ thì tình trạng bệnh sẽ tạm thời ổn định. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ có khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, từ 1 tổn thương có thể tăng lên 3-4 tổn thương", bác sĩ này lo ngại.
Là bệnh viện ngoại khoa hàng đầu, trong năm 2022, Bệnh viện Việt Đức thực hiện số lượng khám, chữa bệnh và phẫu thuật khổng lồ, lên đến hơn 79.000 ca mổ. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân đến chờ để được điều trị tại đây cũng rất lớn. Trong khi đó, bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế để có thể mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, nhiều trang thiết bị y tế đã hết hạn từ ngày 31/12/2022 nhưng chưa được gia hạn, điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm và một số vật tư y tế tiêu hao... Trong đó, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Theo ông Giang, Luật cho phép nếu trong trường hợp khẩn cấp có thể mua hóa chất, vật tư y tế để cứu người theo hình thức chỉ định thầu, còn mổ phiên thì không áp dụng hình thức đó được. Tại đây cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người.
Do vậy, bệnh viện sẽ ưu tiên cho mổ cấp cứu. Bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh, để hồi sức, mổ cấp cứu theo quy định. Đồng thời, cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ cấp cứu.
"Khi buộc phải hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất, rõ ràng người bệnh quá thiệt thòi, kể cả không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Thế nhưng chúng tôi không thể "tay không bắt giặc", không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng... mồm. Trong thời điểm này, để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, bệnh viện chỉ có thể hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu và hạn chế tối đa các ca mổ phiên", GS Trần Bình Giang nói.