Cần xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường

Ngày 31-5, kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ tám. Buổi sáng, các đại biểu QH nghe báo cáo giải trình,tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Bảo đảm quyền, lợi ích của công dân

Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để chỉnh lý dự thảo luật trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức...

Trong phần thảo luận, các đại biểu QH: Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều đại biểu khác tranh luận về việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu ý kiến, có trường hợp Tòa án đã tuyên hoặc quyết định đã công bố trong đó xác định bị cáo có tội, nhưng sau đó bản án, quyết định này lại bị kháng cáo, kháng nghị và bị tòa án ở cấp có thẩm quyền tuyên hủy để điều tra lại... Đại biểu đặt câu hỏi: Với trường hợp như trên, trách nhiệm bồi thường thuộc về Tòa án hay cơ quan điều tra? Theo quy định pháp luật, ai vi phạm người đó bị xử lý, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Hậu quả của việc cơ quan nào làm sai, trách nhiệm bồi thường thuộc về Nhà nước. Do vậy, đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.

Đại biểu QH Nguyễn Tạo nêu ý kiến, trong các giai đoạn tố tụng có những điểm khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch cơ quan nào là cơ quan gây oan sai sau cùng. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng dự thảo luật đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này, nhưng trên thực tế không hề đơn giản như vậy. Chưa kể việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang ngành khác. Do đó, cần phải nghiên cứu phương án giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.

Nhiều đại biểu thảo luận cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại. Theo đại biểu QH Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), người bị thiệt hại có ba quyền và ba nghĩa vụ được thể hiện rất rõ trong dự thảo luật. Đó là quyền được yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường; quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người bị hại là trẻ em, người già không nơi nương tựa, những người không đủ năng lực hành vi dân sự không thể đòi hỏi những quyền này cho mình. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho người bị thiệt hại và người này phải được tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo giải trình đầy đủ trình QH.

Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh

Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Đa số ý kiến các đại biểu: Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Phan Viết Lượng (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Đặng Xuân Phương (Đác Lắc)... đều cho rằng, các cơ quan của QH đã thể hiện trách nhiệm cao trong công tác xây dựng chương trình. Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên ngay từ đầu với Chính phủ, các bộ, ngành, nắm bắt thông tin và kịp thời kiến nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số đại biểu QH đề nghị cần tập trung nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh hơn nữa, theo hướng bảo đảm tính ổn định, tính khả thi và khả năng dự báo dài hơi. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) và một số đại biểu kiến nghị, trong khi nhu cầu xây dựng luật là rất lớn, các sáng kiến luật cần bám sát các vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, tránh xây dựng dự án luật như một công trình mang tính khoa học, nặng tính hàn lâm xa rời đời sống. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quá trình lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật quan trọng. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho ý kiến: Hiện nay chương trình lập pháp chủ yếu được xây dựng dựa trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành. Vấn đề là những kiến nghị này đã thật sự xuất phát từ thực tiễn cuộc sống chưa, hay chỉ từ mong muốn của bộ, ngành muốn được có thêm quyền năng và thêm công cụ quản lý?

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu QH đồng tình về cơ bản với nguyên tắc và tiêu chí để đưa ra các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật năm 2017; trong đó lưu ý cần tập trung những dự án luật mà cuộc sống thực tiễn đang cần; nhất là để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về việc hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường và đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục thực hiện quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Các đại biểu đồng ý với những dự án luật đã đưa vào chương trình, bên cạnh đó đề nghị bổ sung 16 dự án luật mới. Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, cần bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là xây dựng chính sách, đánh giá chính sách, đánh giá tác động rồi mới đưa vào chương trình, do đó cần thời gian thỏa đáng.

QH tiếp tục thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018. Nhiều ý kiến đại biểu kiến nghị lựa chọn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Quyền cơ bản của người bị thiệt hại chính là quyền nhờ người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, đó là luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý. Vấn đề này cần phải đưa cụ thể vào trong luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến(Hà Nội)

Dự án Luật An ninh mạng dự kiến được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thông qua tại kỳ họp thứ sáu, trong khi tình hình an ninh mạng ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên sớm xây dựng và ban hành.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận)

Kỳ họp này, QH xem xét thông qua dự án Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như thế dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung hơn 30 văn bản luật có liên quan. Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung những văn bản luật này để tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33030902-can-xac-dinh-co-quan-co-trach-nhiem-giai-quyet-boi-thuong.html