Cần xác định giá trị cụ thể AI mang lại cho doanh nghiệp
Trí tuệ nhân tạo (AI) được bàn nhiều thời gian gần đây có thể tạo tâm lý nôn nóng ứng dụng trong cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần xác định giá trị cụ thể mà AI mang lại cho hoạt động của mình, TS. Vũ Duy Thức, Đồng sáng lập New Turing Institute & VietAI, lưu ý.
Nhiều cơ hội phát triển AI
Tại họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Vietnam Innovation Challenge - VIC) chiều 18.3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng đối với các quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định Việt Nam sẽ phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, coi đó là động lực chính cho tăng trưởng. Trong xu thế phát triển này, công nghiệp bán dẫn và AI là hai lĩnh vực quan trọng cần tập trung ưu tiên phát triển.
Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo. Hiện, nước ta đã thu hút đầu tư từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin - nền tảng cho công nghiệp bán dẫn. Một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn cũng đã đầu tư tại Việt Nam, như Intel, Amkor… Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022 - 2027.
Về nhân lực, hiện cả nước có hơn 5.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn, hơn 134.000 kỹ sư lĩnh vực điện, điện tử sẵn sàng được đào tạo lại để chuyển sang ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.
Cùng với ngành bán dẫn, AI là một lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.
Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights. Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng AI như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Trong số 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định mục tiêu có khoảng 5.000 nhân lực cho AI. Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Xác định lợi thế cạnh tranh khi phát triển AI
Thừa nhận AI đang là xu hướng được bàn tính nhiều thời gian gần đây và sẽ tạo tâm lý nôn nóng ứng dụng trong cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Duy Thức lưu ý, vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần xác định giá trị cụ thể mà AI mang lại cho hoạt động của mình. Muốn vậy, cần xem xét từ việc sản xuất sản phẩm ưu việt, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bản thân doanh nghiệp khi sử dụng AI sẽ giúp cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với các ngân hàng thì điều này sẽ giúp công việc giấy tờ hành chính trở nên hiệu quả hơn.
Song song với đó, các doanh nghiệp cần xem lợi thế cạnh tranh nhất của mình trong phát triển AI là gì. Các doanh nghiệp phải có hướng đầu tư và nghiên cứu lâu dài và rõ ràng, từ việc nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, đào tạo nhân lực AI…
TS. Vũ Duy Thức, nhìn nhận, lợi thế rất lớn là chúng ta có cộng đồng AI và bán dẫn trong và ngoài nước rất lớn, trong đó nhiều người Việt Nam nắm giữ các vị trí cấp cao ở nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhiều người trong số đó sẵn sàng về nước để làm việc. "Nếu tận dụng được nguồn lực này có thể tạo đòn bẩy để phát triển các sản phẩm về AI, công nghiệp bán dẫn nhanh chóng hơn, tạo tầm ảnh hưởng to lớn hơn”, ông Thức tin tưởng. Do đó, ở góc độ Nhà nước, cần kết nối cộng đồng AI cũng như cộng đồng công nghệ bán dẫn trong và ngoài nước, để các chuyên gia tài năng có thể biết được về công việc và nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, từ đó tham gia đóng góp. Hiện, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã tạo sự kết nối này và cần đẩy mạnh hơn nữa.
Cùng với đó, ông Thức đề nghị, cần tạo ra “sân chơi” tại Việt Nam và mời các chuyên gia này về đóng góp. “Sân chơi” đó có thể là các cuộc thi, như Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIC) hoặc những hội nghị về AI, khi đó sẽ tạo sự liên kết, tương tác giữa cộng đồng trong và ngoài nước tốt hơn.