Cần xác định nữ giáo viên đánh chết người tình trên đồi thông có bị kích động tâm lý hay không?
Luật sư Hoàng Tùng phân tích, để xác định nữ giáo viên có bị kích động tâm lý hay không còn phải dựa vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, tính chất hành vi.
Ngày 23/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Khuê (34 tuổi, là giáo viên trường Mầm non xã Mậu Long, huyện Yên Minh) về tội "Giết người".
Điều tra ban đầu xác định, khuya 3/11, Công an xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tiếp nhận tin báo của người dân về việc khu vực đồi thông thôn Ngàm Soọc xảy ra vụ án mạng làm anh Nguyễn Văn Quang (29 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học xã Mậu Long) tử vong, còn Nguyễn Thị Khuê bị chấn thương sọ não, hàm mặt, gãy tay.
Qua đấu tranh, cơ quan chức năng Hà Giang xác định, Nguyễn Thị Khuê là thủ phạm gây án. Nữ giáo viên khai nhận có quan hệ tình cảm yêu đương, thường xuyên hẹn hò với anh Quang. Ngày 3/11, hai người hẹn gặp nhau tại khu vực đồi thông để cùng ăn uống, tâm sự thì xảy ra cãi vã. Anh Quang dùng đoạn cây vụt vào đầu, đè lên cổ Khuê. Còn Khuê dùng đoạn cây vụt liên tiếp vào khu vực đầu, gáy anh Quang, dẫn đến hậu quả anh Quang tử vong.
Phân tích về mặt pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, theo khoa học pháp lý hình sự và thực tiễn xét xử, việc dùng hung khí nguy hiểm để tấn công vào vùng đầu của nạn nhân là hành vi giết người. Ở đây, chị Khuê đã dùng một đoạn cây vụt mạnh liên tiếp nhiều lần vào khu vực đầu, gáy anh Quang, được xem là vùng xung yếu trên cơ thể con người nên rất dễ gây tử vong. Thực tế là anh Quang đã tử vong tại chỗ. Chị Khuê có đầy đủ năng lực để nhận thức hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện hành vi, bất chấp hậu quả xảy ra. Do đó, có thể nhận thấy hành vi của chị Khuê trong trường hợp này có dấu hiệu của tội "Giết người" quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Luật sư Tùng phân tích, để xác định bị can có bị kích động tâm lý hay không còn phải dựa vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, tính chất hành vi.
Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của chị Khuê khi thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của anh Quang thì phạm tội giết người. Còn nếu ý thức chủ quan của chị Khuê không có ý định giết người mà đang trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh do không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình khi trước đó anh Quang dùng 1 đoạn cây vụt vào đầu, đè lên cổ Khuê. Sự kích động mạnh đó là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của anh Quang gây ra trước nên dẫn tới hành vi giết người thì phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Ngoài ra, mức độ tấn công là tiêu chuẩn để xác định cho hành động; Cường độ là độ mạnh của lực. Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người. Do đó, căn cứ vào vi trí tấn công trên cơ thể để xác định những vị trí trọng yếu như việc chị Khuê đánh vào vùng gáy và đầu của anh Quang được xác định là vị trí trọng yếu của cở thể con người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng – anh Quang tử vong tại chỗ.
Bên cạnh đó, cần xác định lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.
“Cơ quan điều tra cần phải xác định rõ mục đích tấn công vào vùng trọng yếu: Trường hợp chị Khuê không mong muốn tước đoạt tính mạng của anh Quang nhưng do quá trình tấn công, tư thế vị trí có thể thay đổi do việc giằng co, vật lộn thì việc dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu (không nhằm vào vị trí này tấn công) dẫn đến hậu quả chết người hoặc thương tích nặng thì cần xác định rõ (hậu quả chết người sẽ sử dụng là tình tiết tăng nặng định khung)”, luật sư Tùng nhấn mạnh.