Cần xác định rõ ràng tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân

Chiều 24-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), có 63 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục các bất cập, hạn chế của Luật hiện hành đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đồng thời lưu ý các nội dung về phạm vi, đối tượng, tính khả thi, thực tế và cụ thể hóa các điều, khoản quy định trong dự thảo Luật; nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, kê khai khấu trừ bổ sung quy định về việc hoàn thuế…

Ông Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Ông Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Tham gia góp ý vào dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có ý kiến: Trong dự án Luật đề cập về người nộp thuế quy định tại khoản 1, Điều 4 là tổ chức, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị xác định rõ ràng tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân để đảm bảo về tư cách, về chủ thể pháp lý. Vì tổ chức nộp thuế phải là pháp nhân như công ty, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân.

Tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc là đơn vị phụ thuộc pháp nhân chịu trách nhiệm về tư cách cá nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình theo quy định tại Điều 101 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân và điều khác của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 188 về doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định liên quan của pháp luật. Còn đối tượng không chịu thuế quy định tại Điều 5 về 26 nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung dịch vụ pháp lý sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng.

Cũng tham gia góp ý vào dự án Luật này, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế; cần đánh giá kỹ đối với việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%; Cân nhắc việc bổ sung một số hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế; Cân nhắc việc tăng thu ngân sách bằng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng…

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

TRÍ NGHĨA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202406/can-xac-dinh-ro-rang-tu-cach-phap-ly-cua-nguoi-nop-thue-la-ca-nhan-va-phap-nhan-8fa72a3/