Cần xác lập tư cách bị hại để nhận lại tiền bị lừa
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hơn 100 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 500 tỷ đồng của hơn 100.000 bị hại, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.
Cơ quan điều tra xác định, cầm đầu đường dây lừa đảo liên tỉnh vừa bị triệt phá là Trần Quang Đạo (SN 1992, trú tại xã Đông Thạnh, TPHCM). Điều tra bước đầu của cơ quan Công an cho thấy, Trần Quang Đạo nhờ người thân đứng tên để thành lập 4 công ty (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ressun; Công ty Cửa hàng Tiktok Shop Resshose; Công ty TNHH Rees Mark; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lesson và các kho hàng), rồi tuyển nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo trên toàn quốc với số tiền lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Phương thức lừa đảo của đường dây do Trần Quang Đạo cầm đầu tuy không mới, nhưng lại khá tinh vi, núp bóng doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn nạn nhân bị sập bẫy. Cụ thể, các đối tượng đã giả làm nhân viên cơ sở y tế, bệnh viện dinh dưỡng, sử dụng phần mềm Internet mã hóa đầu số để gọi điện tư vấn tặng quà, dụ dỗ, lôi kéo những người lớn tuổi, người yếu thế trong xã hội sử dụng miễn phí các sản phẩm dinh dưỡng để được trúng thưởng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ gia dụng có giá trị lớn, với điều kiện đóng các khoản phí để được nhận giải thưởng.
Để tạo lòng tin, các đối tượng hứa hẹn mỗi lần khách hàng đóng phí đều được tặng các sản phẩm kèm theo có giá trị ngày càng lớn tùy theo số tiền đóng phí. Vì thế, không ít nạn nhân đã tin tưởng chuyển số tiền ngày càng nhiều hơn với mong muốn sẽ được nhận quà trúng thưởng có giá trị lớn hơn, đồng thời sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra như các đối tượng đã cam kết. Tuy nhiên, sau đó các đối tượng đã không thực hiện theo thỏa thuận mà chiếm đoạt luôn số tiền của các bị hại đã nộp.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Pháp luật quy định rõ người bị hại sẽ được bồi thường khi kết thúc vụ án, bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra không thể thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, dù tòa có tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường dân sự, thì các bị hại cũng không nhận được bất cứ khoản nào.
Cũng theo luật sư Bùi Đình Ứng, trong trường hợp khả quan nhất, tức là cơ quan điều tra có thu được phần nào tài sản bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, thì các bị hại cũng chỉ được chia theo tỷ lệ, nhận lại một phần rất nhỏ so với số tài sản bị chiếm đoạt. Đó là còn chưa kể thời gian chờ đợi điều tra, truy tố, xét xử cho tới khi bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn xin thi hành án... Quan trọng hơn, các nạn nhân muốn được bồi thường dân sự trong bất cứ vụ án hình sự nào cũng cần phải được xác định là bị hại trong vụ án đó.
“Vì thế, mỗi nạn nhân trong vụ lừa đảo liên tỉnh này cần có đơn tố giác, trình báo tới cơ quan Công an để được xác định là bị hại, thì sau này mới có căn cứ nhận lại số tiền (hoặc một phần tùy theo việc thu hồi tài sản của cơ quan điều tra) đã bị chiếm đoạt...” - luật sư Bùi Đình Ứng tư vấn.