Cần xây dựng chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Khóa XIV

Bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, phải tiếp tục các giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân. Thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp, nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Khóa XIV Bùi Sỹ Lợi

Cú sốc đại dịch Covid-19 ghi dấu ấn năm 2020 và 2021 với tác động sâu rộng trên bình diện toàn cầu. Việt Nam không là ngoại lệ. Đến nay, chúng ta đã phải đối mặt với 4 làn sóng lây nhiễm Covid-19, đặc biệt, làn sóng thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4.2021 đã diễn biến phức tạp hơn so với những đợt trước.

Theo Tổng cục Thống kê trong 9 tháng năm 2021, có tới 85,5 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 3,43% và thiếu việc làm 4,39%, tăng cao nhất kể từ quý I.2020.

Do đó, với chủ trương tập trung thực hiện 3 trụ cột cơ bản về y tế, kinh tế, xã hội, rất cần thiết phải xây dựng và triển khai một Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu phục hồi và tái cơ cấu nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động

Ước tính đến tháng 8.2021, có khoảng 17 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có khoảng 1 triệu người bị mất việc làm (chiếm 6,1%), có 5,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 34,0%), có 6,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 40,1%), có 1,3 triệu người bị thay đổi hình thức làm việc (chiếm 7,9%) và 13,8 triệu người bị thay đổi thu nhập (chiếm 81,2%).

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Quý III.2021 tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng lên 4,39%, đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước (2,73% và 2,72% tương ứng).

Đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm lực lượng lao động (do nhiều người lao động thoái lui khỏi thị trường lao động) và đồng thời hàng triệu người lao động bị mất việc làm. Do đó, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động (việc làm) bị thu hẹp, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh/thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới…

Điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động

Để khôi phục, phát triển thị trường lao động sau đại dịch và cơ cấu lại nền kinh tế, theo tôi cần tập trung vào hai nhóm giải pháp. Một là, phục hồi thị trường lao động; và hai là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.

Với nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động, trước hết, cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp để phục hồi việc làm cho người lao động (chính sách hỗ trợ tài khóa, tín dụng...). Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong một bộ phận cấu thành của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quan tâm đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

Thứ hai, cần điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương.

Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất. Các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc của người lao động.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được tổ chức nhằm tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp của các đại biểu Quốc hội và đông đảo Nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế; hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.

Cùng với phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao, Diễn đàn sẽ có hai phiên họp chuyên đề - thảo luận bàn tròn, trong đó có chuyên đề về “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Phát triển thị trường lao động hiện đại, nắm bắt các cơ hội mới

Với nhóm giải pháp chung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, trước tiên,lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu được quyết định chủ yếu dựa trên các yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Đến nay, Việt Nam đã áp dụng phương pháp “lương sinh hoạt tối thiểu” để xác định mức lương tối thiểu, trong đó tập trung chính vào chi phí sinh hoạt. Khi Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và chuyển sang áp dụng phương pháp “mức lương sàn” với trọng tâm chính vào năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hai yếu tố cần cân nhắc khi điều chỉnh lương tối thiểu. Ngoài ra, có thể cân nhắc các yếu tố khác như tăng giá và thu nhập tương đối; tuy nhiên, năng suất lao động vẫn sẽ là yếu tố quan trọng hơn khi quyết định mức lương tối thiểu.

Thứ hai, người lao động có cơ hội bình đẳng tham gia thị trường và cạnh tranh việc làm phải dựa trên các nguyên tắc công bằng và minh bạch. Một thị trường lao động hiệu quả thì ở đó người lao động có thể tìm kiếm việc làm dựa trên kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, từ đó, nguồn nhân lực được tuyển dụng phát huy tối ưu hiệu suất công việc.

Thứ ba,mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm thất nghiệp và chương trình thị trường lao động chủ động. Để bảo đảm gia tăng tính linh hoạt trên thị trường lao động được điều tiết gắn với bảo đảm việc làm hợp lý cho người lao động vấn đề bảo hiểm thất nghiệp và chương trình thị trường lao động chủ động phải được xây dựng và triển khai tốt, chẳng hạn như dịch vụ việc làm công, giúp tăng hiệu suất của thị trường lao động và phúc lợi cho người lao động.

Thứ tư, cần có sự kết nối giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Các chính sách lao động không đồng bộ sẽ không khuyến khích sự linh hoạt trên thị trường lao động để phát huy tính toàn dụng về lực lượng lao động dựa trên năng lực, sự say mê và yêu thích công việc. Thực tiễn này sẽ cản trở việc phát huy tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.

Thứ năm,triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động gắn với thị trường lao động, đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, góp phần nâng cao năng suất lao động, cung - cầu lao động gặp nhau. Cung - cầu lao động gặp nhau là yếu tố then chốt của một thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo. Kết nối cung - cầu lao động chính là giúp cho thị trường lao động vận hành và hỗ trợ cho chính sách đào tạo và kích thích nhu cầu học nghề và học chuyên môn phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Thứ sáu, phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Phát triển việc làm thỏa đáng, quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế, lao động nữ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động; nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo. Tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Thứ bảy, các chủ thể quan hệ lao động phải độc lập để thực hiện đối thoại, thương lượng thực chất. Đây là công cụ để thị trường lao động phát triển và cạnh tranh hoàn hảo.

Thứ tám, Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong sự vận hành của thị trường lao động. Dựa trên các yếu tố của thị trường lao động cạnh tranh hoàn hảo, bằng các chính sách thị trường lao động, nhà nước kết nối cung - cầu trên thị trường lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, kích thích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường... Đồng thời, Nhà nước có vai trò ngăn chặn các hành vi lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh phi đạo đức, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, như trốn tránh nghĩa vụ trong quan hệ lao động, bảo đảm đền bù cho người lao động trong trường hợp tai nạn lao động phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm các chính sách lao động và an sinh xã hội để thị trường lao động vận hành linh hoạt.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam cần tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại để nắm bắt các cơ hội mới. Muốn vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế và chính sách thị trường lao động dựa trên các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch. Quan tâm tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao khả năng thương lượng về việc làm của người lao động và tổ chức đại diện của họ với người sử dụng lao động, kết nối cung - cầu để tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động. Đặc biệt, vai trò kiến tạo của Nhà nước là hết sức quan trọng để thị trường lao động mới được định hình và phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Anh Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-xay-dung-chuong-trinh-phuc-hoi-phat-trien-thi-truong-lao-dong-xqbomxhpbd-67195