Cần xây dựng giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển năng lượng English Edition
Sáng 23/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đối với UBND tỉnh.
Dự buổi giám sát có Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh – Lê Thị Song An; các ĐBQH tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm; lãnh đạo một số sở ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2021, việc đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh về cơ bản được triển khai tuân thủ quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia với hơn 99,97% số hộ dân được sử dụng điện.
Đối với khả năng cung cấp năng lượng, tỉnh được cấp điện qua các trạm 500kV – 220kV và 110kV, Công ty Điện lực Long An đang quản lý 36 trạm 110kV. Dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và phải tập trung vào nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm cấp điện trên địa bàn tỉnh, nhưng ngành điện đã cố gắng đầu tư mới, nâng công suất các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, đáp ứng tiến độ quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035. Từ đó bảo đảm việc cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh và bảo đảm đáp ứng điện cho các phụ tải công nghiệp đang tăng nhanh tại các huyện như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và TP. Tân An.
Hiện trữ lượng năng lượng trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng về điện khí, năng lượng tái tạo nhất là năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành phát điện thương mại với tổng sản lượng điện của 8 nhà máy năm 2022 đạt trên 602 triệu kWh. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 2.582 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt trên 510MWp vừa tự cung, tự cấp vừa thực hiện bán điện cho Công ty Điện lực với sản lượng trên 50 triệu kWh/tháng.
Ngoài ra, tỉnh còn có Nhà máy điện Long An I và Long An II nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho điều chỉnh từ sử dụng than sang sử dụng LNG nhập khẩu và điều chỉnh quy mô công suất 2 nhà máy từ 1.800MW lên 3.000 MW. Tiến độ vận hành nhà máy điện khí LNG Long An I dự kiến năm 2025-2026, nhà máy điện khí LNG Long An II dự kiến năm 2035. Đồng thời, tỉnh đang trình Bộ Công Thương xem xét, bổ sung Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2021, với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện từ năng lượng tái tạo, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển điện từ năng lượng mặt trời, góp phần vào sự chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon hiện tại và trong tương lai theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng cho rằng, quá trình phát triển năng lượng hiện nay còn gặp một số khó khăn nhất định như Quy hoạch phát triển điện VIII đến nay chưa được phê duyệt nên các dự án đầu tư nguồn điện trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai. Trong Quy hoạch điện VIII có định hướng phát triển điện mặt trời áp mái, nhưng do chưa được phê duyệt dẫn đến các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư điện mặt trời áp mái. Từ việc chậm phê duyệt Quy hoạch điện VIII cũng làm ảnh hưởng đến cơ hội cũng như việc thực hiện trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư.
Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời áp mái tự dùng còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc thực hiện các quy định về xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, đấu nối vào lưới điện quốc gia,… Từ đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sớm xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực nhằm tạo hành lang pháp lý trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo hiện nay.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục đối với các dự án điện năng lượng mặt trời, nhất là điện năng lượng mặt trời áp mái như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công tác phòng cháy, chữa cháy, công tác bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại các dự án.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan trong thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Ông cũng cho rằng, những vấn đề được Đoàn ĐBQH đặt ra được UBND tỉnh, các ngành trao đổi thẳng thắn, nhìn nhận trách nhiệm, hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục, nhất là trong phát triển năng lượng tái tạo.
Ông đề nghị UBND tỉnh, các ngành tập trung xem xét giải quyết những khó khăn hiện nay liên quan đến chủ trương, chính sách, đặc biệt trong phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái còn rất nhiều bất cập, trong khi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp còn cao. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cần quan tâm cân đối nguồn vốn để cùng ngành Điện thực hiện việc xóa điện kế dùng chung, xóa hộ câu phụ, thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và có biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay./.