Cần xây dựng hàng rào thuế quan với hàng nhập khẩu để tạo sự công bằng

Trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), mặc dù có rất nhiều ngành XK mang về giá trị kim ngạch lớn, nhưng vẫn bị ức chế vì 'luật chơi' chưa công bằng giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế. Việt Nam chưa có hàng rào thuế quan để bảo hộ, bảo trợ các DN sản xuất trong nước trước hàng NK, trong khi đó hàng XK của Việt Nam lại bị các nước dựng lên hàng rào thuế quan rất nghiêm ngặt…

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong quý 1/2023, Việt Nam XK được 382.000 tấn cao su, trị giá 531 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam (chiếm 76% tổng lượng cao su XK của cả nước). Mặc dù là ngành có kim ngạch XK lớn, nhưng ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, chưa có sự công bằng trong “luật chơi” nên sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh.

Cụ thể, cao su thiên nhiên NK vào Việt Nam có thuế suất bằng 0 nên một số nước sản xuất cao su đã tận dụng lợi thế này, đẩy vào Việt Nam với một lượng khá lớn. Trong khi đó, DN trong nước xuất đi thì lại có thuế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm cao su NK, chứ không thì sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh.

Ngành điều đang gặp khó khăn do nguyên liệu điều thô nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng.

Ngành điều đang gặp khó khăn do nguyên liệu điều thô nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, ông Thuận cũng cho rằng, một điều bất hợp lý trong sản phẩm cao su hiện nay cũng đang gây khó khăn cho DN là theo quy định, cao su có 2 loại là mủ và gỗ. Tuy nhiên, trong khi mủ thì được công nhận là sản phẩm chính của DN được tính thuế và ưu đãi, còn gỗ thì được xem là thu nhập bất thường. Điều này không hợp lý. Bởi có lúc cao su được trồng để lấy gỗ, có lúc trồng để lấy mủ, nên gỗ cũng phải được xem là sản phẩm chính của 2 loại cao su hiện nay.

Tương tự với ngành da giày, nằm trong top 8 mặt hàng có kim ngạch XK hơn 10 tỷ USD trong năm 2022, nhưng cũng gặp khó khăn liên quan đến vấn đề thuế giữa hàng nội địa với hàng nước ngoài...

Dẫn đầu toàn cầu về sản xuất trong nhiều năm liền với giá trị XK khoảng 3,5-3,8 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay vị trí này của ngành điều đang bị lung lay. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: “Để phục vụ ngành chế biến hạt điều XK, từ trước giờ nguồn nguyên liệu điều thô trồng ở trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% năng lực sản xuất, 80% còn lại là NK, chủ yếu nhập từ châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung nguyên liệu NK này đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến vị trí ngành điều Việt Nam”.

Theo phân tích của ông Nhựt, từ trước giờ ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1, đó là giữ được chuỗi cung ứng liên tục từ nguyên liệu đến thành phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các nước châu Phi đang khuyến khích các DN trong và ngoài nước mở nhiều nhà máy sản xuất hạt điều, nên nguồn nguyên liệu từ châu Phi NK về Việt Nam đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã xảy ra 2 vấn đề lớn đối với ngành điều. Thứ nhất, đó là luật chơi không cân xứng. Cụ thể, chính sách của các quốc gia không đồng bộ và Việt Nam bị thiệt thòi. Châu Phi XK điều thô về Việt Nam thì họ đánh thuế từ 100 – 150 USD/tấn, DN Việt Nam NK điều thô phải chịu mức thuế đó. Còn hạt điều nhân của họ XK ra nước ngoài thì được hỗ trợ giá, khuyến khích. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân của họ khi nhập vào Việt Nam để chế biến, XK đều được Việt Nam miễn thuế.

Thứ 2, sản xuất hạt điều tại châu Phi với kinh nghiệm còn non trẻ thì họ chỉ sản xuất ra hạt nhân dễ dàng để xuất đi, còn phần khó khăn phải cần tay nghề công nhân lâu năm như ở Việt Nam thì họ không làm được. Như vậy, họ chỉ làm khoảng 70% rồi XK vào Việt Nam. Việt Nam NK hàng này tiếp tục làm 30% công đoạn cuối cùng để ra thành phẩm.

Trong khi đó, các tỉnh Đông Nam Bộ, nhiều nhất là tỉnh Bình Phước, đa số hộ dân, gia đình, từ trước giờ đều thực hiện các công đoạn từ nguyên liệu thô NK (nhưng nay công đoạn này được làm ở châu Phi, trước khi nhập vào Việt Nam). Như vậy, cả ngàn hộ gia đình, cơ sở nhỏ sẽ mất việc.

Về nhà máy, DN đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân phải tốn chi phí từ 100 - 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện 2/3 công đoạn thì được thực hiện tại châu Phi, nên các nhà máy này chỉ thực hiện 1/3 công đoạn cuối để ra thành phẩm XK. Điều này, gây lãng phí nhà máy đã đầu tư và phải sa thải bớt công nhân, người lao động sẽ mất việc làm. “Luật chơi thì phải chấp nhận, nhưng phải công bằng và cân xứng. Các nước có bảo hộ cho chính sách của họ, trong khi Việt Nam không có.

Vì vậy, Vinacas đề xuất: Các nước châu Phi đã áp thuế điều thô XK vào Việt Nam thì đề nghị Bộ Công Thương có thể xem xét đàm phán lại họ là bỏ thuế này. Giả sử, Chính phủ các nước bạn không bỏ mức thuế điều thô, đề nghị Việt Nam phải bảo hộ, đánh thuế hạt điều nhân NK vào Việt Nam. Đó là sự công bằng có qua có lại trong hoạt động XNK”, ông Nhựt nói.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương khẳng định, liên quan đến ý kiến của Hiệp hội Điều về việc Việt Nam đang bị ảnh hưởng của việc NK điều từ Nam Phi, Cục Phòng vệ thương mại sẽ ngay lập tức phân tích số liệu của Tổng cục Hải quan để trên cơ sở đó có thêm thông tin, cũng như tư vấn cho Hiệp hội Điều những bước giải pháp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của DN.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/can-xay-dung-hang-rao-thue-quan-voi-hang-nhap-khau-de-tao-su-cong-bang-i692150/