Cần xây dựng mạng lưới nhân viên, người làm công tác xã hội ở cơ sở chuyên nghiệp, có kỹ năng
Hiện nay, phần lớn người làm công tác xã hội ở cơ sở là các cán bộ hành chính cấp xã, cán bộ tổ chức đoàn thể, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành công tác xã hội, làm việc theo kinh nghiệm và cảm tính, khó tránh được lúng túng khi trợ giúp các đối tượng yếu thế trong cộng đồng.
Chỉ "kiêm nhiệm công tác xã hội"
Mới đây, nhận được tin chị N.T.H bị chồng bạo hành, chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội), cùng chị em trong Tổ hòa giải thôn 9 lập tức đến gia đình chị H. để nắm bắt tình hình. Được biết, chị N.T.H nhiều lần bị chồng bạo lực cả về thể xác và tinh thần nhưng hàng xóm không hay biết.
Chị Bạch Tố Uyên kể, nắm rõ hành vi sai trái của người chồng, Tổ hòa giải thôn - nòng cốt là Chi hội phụ nữ, vừa mềm mỏng, khéo léo phân tích cho người chồng hiểu về những thiệt thòi, đau khổ của chị vợ chịu cảnh bạo lực tinh thần, thể xác; đồng thời vừa cứng rắn nhắc nhở, phổ biến cho anh biết những quy định pháp luật hiện hành, các mức xử phạt những hành vi bạo lực. Thậm chí, Tổ hòa giải huy động đại diện đoàn thể, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để tạo sức ép từ cộng đồng, để giúp người chồng từng bước thay đổi được nhận thức và hành vi.
Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Tổ hòa giải tại cộng đồng mà chị em phụ nữ tham gia. Thời gian qua, Hội LHPN xã Ba Trại (huyện Ba Vì) tiếp tục duy trì được nhóm tuyên truyền phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội; câu lạc bộ "Mẹ và con gái", nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật từ gia đình, tổ chức các buổi phổ biến về về luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội lồng ghép các kỳ sinh hoạt hội viên tại 10 chi hội, 25 tổ phụ nữ cho hơn 800 hội viên, phụ nữ tham gia...
Thực tế cho thấy, các chị em là cán bộ Hội, hội viên phụ nữ có chuyên môn, công việc rất khác nhau, nhưng vẫn luôn kiêm nhiệm hoặc tham gia những công việc, vai trò của một người làm công tác xã hội tại cơ sở, thực hiện trợ giúp xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Làm giảng viên nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã, phường các chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình hay trợ giúp xã hội, Th.s Vũ Thị Thanh Nga, giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), cho biết: Phần lớn nhân viên công tác xã hội ở cấp cơ sở đều đang được giao kiêm nhiệm. Họ có thể là cán bộ tư pháp, đơn vị bảo trợ ở cơ sở, cán bộ Hội phụ nữ, thanh niên... Phần lớn họ có hạn chế chưa được đào tạo đúng chuyên ngành công tác xã hội, làm việc theo kinh nghiệm và cảm tính, đặc biệt sự hạn chế về hệ thống các văn bản luật pháp, chính sách cho từng đối tượng xã hội dẫn tới những lúng túng khi vận dụng vào hoạt động hỗ trợ những đối tượng tại cộng đồng.
Tuy vậy, phần lớn người làm kiêm nhiệm công tác xã hội ở cơ sở là người dân tại địa phương nên rất am hiểu văn hóa, phong tục tập quán trên địa bàn, dễ dàng tiếp cận được với những đối tượng trợ giúp cũng như có được cách thức thể giao tiếp, tổ chức các hoạt động và thu hút được sự ủng hộ của họ của người dân trong cộng đồng.
Nâng dần tính chuyên nghiệp nghề công tác xã hội ở cơ sở
Theo bà Vũ Thị Thanh Nga, các cán bộ làm công tác xã hội ở cấp xã có đặc thù là tiếp xúc trực tiếp với người cần trợ giúp; đối tượng tiếp cận rất đa dạng, có thể theo độ tuổi, có người khuyết tật, có phụ nữ đơn thân, thậm chí cả những đối tượng là người nghiện ma túy... Chính vì thế, không chỉ đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn mà còn yêu cầu thêm những kỹ năng về giao tiếp cộng đồng, về văn hóa địa phương, khả năng giao tiếp với nhiều đối tượng khác nhau cùng sự am hiểu về chính sách Luật pháp, chính sách về an sinh xã hội, sự kết nối với các nguồn lực tại địa phương để xây dựng một chương trình hỗ trợ, tư vấn chính sách hoặc biện hộ chính sách cho người dân tại cộng đồng.
Trong đó, đặc biệt là kỹ năng kết nối nguồn lực nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng, ví dụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, cần thiết phải cách ly nạn nhân khỏi gia đình thì phải tìm một môi trường chăm sóc thay thế. Nhân viên công tác xã hội phải có hệ thống địa chỉ chăm sóc thay thế để kết nối, rồi làm những thủ tục liên quan về pháp luật để bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân, chăm sóc về y tế, tâm lý hoặc hỗ trợ họ quay trở lại tái hòa nhập cộng đồng.
Tại hội nghị mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, sau hơn 10 năm triển khai chương trình phát triển Công tác xã hội, đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm Công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành với khoảng 235 nghìn người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, để đẩy mạnh phát triển Công tác xã hội chuyên nghiệp, ngoài hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cần phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên trong các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ Công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác; đặc biệt hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế...