'Cần xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên'

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên với các quy định nhân văn hơn về nhóm đối tượng này.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nếu người chưa thành niên phạm tội mà cho vào trại giam luôn thì “chai sạn với hình phạt" và "dễ tái phạm." Vì thế, theo quan điểm của người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao thì thời gian tới cần xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên; trong đó thông tin phạm tội của người chưa thành niên cần phải được bảo mật để đảm bảo tính nhân văn.

'Đừng hy vọng tù nhiều, tội phạm sẽ giảm'

Tiếp theo chương trình làm việc của đợt 1 Kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Nêu ý kiến tại tổ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công ước này khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên.

Dù thuộc nhóm tham gia công ước trên sớm nhất, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là một trong 2 quốc gia còn lại chưa xây dựng luật này.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trẻ em thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm đời sống, kiến thức pháp luật. Khả năng kiểm soát hành vi của trẻ em cũng kém hơn người trưởng thành. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hình sự hiện hành còn quá nặng nề với người chưa thành niên.

Vì thế, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được xây dựng với nhiều chính sách nhân văn, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Điển hình như việc không được giam giữ người chưa thành niên với người lớn, thay vào đó phải có trại giam riêng.

Trong dự thảo luật, Tòa án Nhân dân Tối cao tối cao đề xuất nhiều chính sách tư pháp theo hướng có lợi cho người dưới 18 tuổi phạm tội như giảm mức phạt tù tối đa từ 18 năm xuống 15 năm đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi; và từ 12 năm xuống 9 năm đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi…

“Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai,” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cũng lưu ý ở các nước đều nhận thấy việc lấy hình phạt và quy trình tố tụng cho người lớn để điều chỉnh một chút rồi áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả bởi: “Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả.” Thay vì thế, nếu ưu tiên áp dụng các biện pháp chuyển hướng (như cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…), thì tỷ lệ tái phạm có thể giảm tới 85%.

“Điều một số cơ quan băn khoăn là chúng ta nhân văn quá với các cháu có phải thả tội phạm ra đường không?” Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu vấn đề và cho biết đã nhiều nước nghiên cứu và cho thấy “nếu các cháu phạm tội mà cho vào trại giam luôn thì chỉ làm các cháu chai sạn, dễ tái phạm.”

 Tuyên án nhóm thiếu niên đánh hội đồng khiến học sinh tử vong ở tỉnh Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Tuyên án nhóm thiếu niên đánh hội đồng khiến học sinh tử vong ở tỉnh Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Theo người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao, Việt Nam chỉ nên áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác.

Thông tin phạm tội cần phải được bảo mật

Hiện nay, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang quy định: Vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên thì phải tách vụ án đối với người chưa thành niên để giải quyết độc lập.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình thì việc tách vụ án như đề xuất tại dự thảo là cần thiết bởi theo quy định hiện hành, thời hạn điều tra với người chưa thành niên đang áp dụng theo người trưởng thành. Vì thế, nếu không tách vụ án để xử lý độc lập, sẽ kéo dài vụ án và trẻ sẽ rơi vào trạng thái tâm lý rất căng thẳng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên lần này được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hợp quốc, có nhiều yêu cầu tiến bộ nhưng vừa nhân văn, vừa đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Trong đó với người chưa thành niên phạm tội, sẽ không được tuyên tử hình, chung thân và mức án ít hơn nhiều so với người lớn cùng tội danh.

Dự án luật cũng quy định không được giam giữ người chưa thành niên phạm tội như người lớn mà phải có trại giam riêng, bởi “ở trại giam đều là tội phạm, tội phạm chuyên nghiệp nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành tội phạm chuyên nghiệp.”

Trên cơ sở đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh với những hành vi như đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị,... thì cơ quan pháp luật hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.

Với người lớn, toàn bộ quá trình phạm tội phải được công khai, nhưng Chánh án nhấn mạnh với người chưa thành niên thì phải nghĩ đến cuộc đời rất dài của các cháu.

“Nếu bị công khai, các cháu sẽ bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại sẽ rất mong manh. Vì vậy thông tin phạm tội của các cháu phải được bảo mật,” ông Bình nêu quan điểm và nhấn mạnh hệ thống hiện hành đang có rất nhiều bất cập nên cần được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng hiện nay hệ thống quy định pháp luật cho đối tượng này còn nằm ở nhiều luật, điều này dẫn đến một số khó khăn, tồn tại như hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện...

Vì thế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhất trí cần có một đạo luật riêng cho đối tượng người chưa thành niên./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-xay-dung-mot-dao-luat-rieng-ve-tu-phap-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-post958025.vnp