Cần xem xét, công bố Bắc Kạn là vùng dịch tả lợn châu Phi cấp tỉnh
Đó là đề nghị của ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc kiểm tra, thăm nắm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn vào sáng 13/6.
Kiểm tra tại cơ sở chăn nuôi Đội K98, thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.
Sở NN&PTNT đã báo cáo với đoàn công tác diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi, những khó khăn, thực trạng trong công tác phòng, chống dịch hiện nay tại tỉnh. Theo đó, dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh. Hệ thống đường giao thông thôn, xã lớn nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn, đặc biệt là việc thành lập trạm kiểm soát không thực hiện hiệu quả. Các hình thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, xen kẽ tại các khu dân cư. Nhiều hộ dân chưa tuân thủ việc chăm sóc, chăn nuôi an toàn.
Giám sát việc tiêu hủy lợn tại cơ sở chăn nuôi Đội K98, thị trấn Phủ Thông.
Ý thức của người chăn nuôi về việc tiêm phòng trên gia súc còn thấp. Công tác tuyên truyền, chỉ đạo phối hợp với chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm quyết liệt; cán bộ chuyên môn thiếu, từ đội ngũ công chức, viên chức thú y cấp tỉnh đến cơ sở. Chưa có hướng dẫn kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh; chưa có chính sách, hướng dẫn hỗ trợ gia súc bị tiêu hủy do mắc bệnh truyền nhiễm phải công bố dịch và hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch.
Đoàn kiểm tra của Cục Thú y thăm nắm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Tân Tú, huyện Bạch Thông.
Dịp này, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Cục Thú y báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ hóa chất sát trùng; đề nghị Chính phủ có chính sách, hướng dẫn hỗ trợ gia súc bị tiêu hủy do mắc bệnh truyền nhiễm phải công bố dịch và hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1.910 hộ của 91 xã thuộc 8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn với tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy trên 319 tấn với 7.921 con lợn chết.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đã chỉ ra một số những hạn chế của tỉnh Bắc Kạn trong công tác phòng, chống dịch. Đề nghị tỉnh báo cáo đầy đủ, chính xác nhu cầu về hóa chất; thống kê, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ vận dụng các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định, không để người dân có lợn tiêu hủy bị thiệt thòi. Xem xét mức độ, phạm vi ảnh hưởng, các quy định của Nhà nước để công bố tỉnh Bắc Kạn là vùng dịch cấp tỉnh nhằm áp dụng phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn.
Bắc Kạn cần phải thay đổi tư duy phòng, chống dịch theo cách phù hợp với đặc điểm thực tiễn của riêng mình. Công tác chống dịch không chỉ giao trách nhiệm cho ngành Nông nghiệp mà cần huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Sử dụng công cụ tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt là thông tin hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân một cách dễ hiểu, đơn giản, làm mọi cách để bảo toàn số vật nuôi đang có.
Vận động Nhân dân tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi, chia vùng theo nhóm tiêm để mang lại hiệu quả. Cục trưởng Cục Thú y tiếp thu đề xuất của tỉnh về bổ sung biên chế, con người trong lĩnh vực thú y và sẽ có văn bản báo cáo Bộ, ngành liên quan để giải quyết những khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y làm việc với Sở NN&PTNT Bắc Kạn về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, Đoàn công tác kiểm tra việc tiêu hủy lợn tại Đội K98, thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; thăm nắm tình hình chăn nuôi tại một số hộ dân có lợn bị bệnh tiêu hủy thời gian qua./.