Cần xem xét để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nghèo!
Mảnh đất của gia đình chị Chu Thị Thắm dù chưa được cấp 'sổ đỏ' nhưng đã sử dụng ổn định từ 1993 đến nay. Bỗng nhiên, chính quyền 'bắt ép' giải phóng mặt bằng để giao đất bán đấu giá mà không đền bù thỏa đáng, khiến hộ nghèo như gia đình chị càng thêm 'cùng quẫn'.
Bị thu hồi đất, một hộ nghèo ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi.
Nguy cơ rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”
Đơn kêu cứu gửi báo Nhà báo & Công luận, chị Chu Thị Thắm (SN 1978), ở TDP 4, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh phản ánh: Gia đình chị có 6 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo. Năm 1993 được bà con thương tình cho vật liệu nên gia đình chị đã khai hoang, đổ đất vào vũng đất sâu gần bờ sông rồi dựng một túp lều tranh để ở. Sau đó, gia đình chị đã làm căn nhà lợp ngói Fibro xi măng, dựng chuồng trại chăn nuôi và sinh sống ổn định trên mảnh đất này từ đó.
Đến năm 2012, gia đình chị nhận được thông báo số 13/TB-UBND ngày 12/11/2012 của UBND thị trấn Nghi Xuân (nay là thị trấn Tiên Điền) về giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất của gia đình; và nhiều lần sau đó, UBND thị trấn kéo lực lượng đến nhà chị, lúc thì vận động, lúc thì hăm dọa đuổi gia đình chị đi để lấy đất nhưng vì gia đình chị không còn chỗ nào khác để ở nên vẫn sinh sống trên mảnh đất này.
Thời gian gần đây, khi chị Thắm đi làm thuê xa nhà, cán bộ thị trấn đã mang máy móc đến tổ chức phá dỡ nhà cửa, công trình chăn nuôi của gia đình chị mà không thông báo, không có quyết định thu hồi đất, không lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đất đai tái định cư…
“Dù đất của gia đình chưa được cấp sổ đỏ nhưng chúng tôi đã sử dụng làm nhà ở ổn định từ năm 1993 đến nay, phù hợp quy hoạch khu dân cư thì vẫn đủ điều kiện công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương hỗ trợ người nghèo thì chính quyền lại tước đoạt quyền lợi, bỏ rơi người nghèo, phá hoại tài sản, đẩy gia đình tôi sống cảnh “màn trời chiếu đất””, chị Thắm nói trong tuyệt vọng.
Chị Thắm đề nghị trả lại nhà cửa, tài sản của gia đình như ban đầu; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình; xử lý trách nhiệm cán bộ làm trái quy định, cố ý hủy hoại tài sản của gia đình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực hiện Quy hoạch xen dắm dân cư khối 4, thị trấn Nghi Xuân (nay là thị trấn Tiên Điền) được cấp có thẩm quyền phê duyệt ngày 16/3/2010 và Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 7/11/2012 của UBND huyện Nghi Xuân về việc ban hành quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các vùng quy hoạch khu dân cư thuộc thị trấn Nghi Xuân (nay là thị trấn Tiên Điền).
Trong khu quy hoạch khối 4, có hộ gia đình chị Chu Thị Thắm đã làm nhà tạm trên lô đất quy hoạch đã được phê duyệt.
Ủy ban nhân dân thị trấn gửi thông báo cho chủ hộ Chu Thị Thắm cư trú tại TDP 4 yêu cầu gia đình phải tự di dời, giải tỏa mặt bằng toàn bộ cây cối, vật kiến trúc, nhà cửa trên khu đất đã quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu gia đình chị Chu Thị Thắm không thực hiện việc giải tỏa mặt bằng thì UBND thị trấn lập hồ sơ để tổ chức cưỡng chế theo quy định, mọi chi phí cưỡng chế gia định chị Thắm phải chịu.
Chuồng chăn nuôi bò và cây cối của gia đình chị Thắm đã bị phá hết.
Được biết, đầu tháng 2/2020, trong khi chị Thắm đi làm thuê xa nhà thì cán bộ thị trấn đã mời chồng chị là anh Trần Hữu Đức lên UBND để thỏa thuận giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tiền công tháo dỡ, di dời 5 triệu đồng.
Anh Trần Hữu Đức (chồng chị Chu Thị Thắm) cho biết: “UBND thị trấn có đưa cho tôi cái giấy thông báo di dời và mời tôi lên UBND để họp, rồi họ bắt tôi ký vào cái giấy di dời. Sau đó hỗ trợ cho tôi 5 triệu đồng để về nhờ người tháo dỡ, di dời, chứ không đền bù tài sản gì cho gia đình tôi cả. Họ bảo nếu tôi không ký, họ sẽ tự đưa máy móc đến tháo dỡ, di dời. Tôi ít hiểu biết mà cứ nghĩ gia đình thì nghèo vừa không được hỗ trợ, vừa phải chịu chi phí tháo dỡ của chính quyền nên buộc tôi phải ký vào biên bản”.
Hộ nghèo đang bị bỏ rơi?
Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã về thị trấn Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để xác minh. Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền phủ nhận một số nội dung phản ánh của gia đình chị Chu Thị Thắm.
Ông Thuận khẳng định, đất UBND thị trấn giải phóng vừa rồi thuộc quy hoạch của thị trấn cũ (thị trấn Nghi Xuân) bán đấu giá. Trước đây, thị trấn cũ có mời gia đình chị Thắm lên tổ chức làm tư tưởng giải phóng mặt bằng nhưng không được vì họ không đồng tình. Sau khi sáp nhập xong, thị trấn cũng có mời anh Đức (chồng chị Thắm) lên, sau đó gia đình có cam kết là giải phóng chuồng bò của gia đình và địa phương hỗ trợ cho họ 5 triệu đồng. “Sự việc này là vi phạm trước đây và hai bên đã thỏa thuận bằng biên bản, chứ không phải cưỡng chế gì cả”, ông Thuận nói.
“Khi gia đình giải phóng xong chuồng bò thì còn một phần móng ở phía dưới cứng quá, gia đình không làm được nên chính quyền thị trấn cho máy vào để làm giúp chứ không phải nhà ở của họ. Chúng tôi chỉ đập phần móng chuồng bò và đào cây cối cho sạch để xin huyện chủ trương bán đấu giá lô đất này”, ông Thuận cho biết.
Thông báo của UBND thị trấn gửi cho gia đình chị Thắm giải tỏa mặt bằng để giao đất bán đấu giá.
Lý giải về việc vì sao không cấp đất ở cho gia đình chị Thắm, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền cho rằng: Trước đây, khi gia đình chị Thắm, anh Đức ở chung với mẹ đã được cấp một miếng đất và bà mẹ đã bán miếng đất đó đi rồi. Khi cấp đất cho mẹ thì có chị Thắm, anh Đức ở trong khẩu của nhà đó.
“Trước đây, thị trấn Nghi Xuân cũ trả lời là họ không đủ điều kiện cấp đất nữa vì chỉ được cấp 1 lần. Thị trấn đang cho xác minh: nếu như mẹ của anh Đức và chị Thắm đã được cấp đất, mà trong đó có khẩu của anh Đức và chị Thắm thì chắc chắn sẽ không được cấp đất lần thứ 2 nữa. Còn nếu như trước đây khi cấp đất, anh Đức và chị Thắm không có trong hộ khẩu của mẹ thì cái này phải xin ý kiến chỉ đạo của huyện để xem xét”, ông Thuận lý giải.
Theo ông Thuận: Bây giờ gia đình anh Đức, chị Thắm xin địa phương cấp đất ở tại lô đất này, nhưng lô đất này đã được huyện Nghi Xuân phê duyệt bán đấu giá.
Ông Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền cho biết thêm, hiện tại cũng không đấu giá được, vì lô đất này liên quan đến đường quy hoạch mở rộng 9 m nên không đủ diện tích để đấu giá nữa.
Mảnh đất của hộ nghèo đã sử dụng ổn định từ 1993 đến nay, bỗng dưng chính quyền ‘bắt ép’ giải phóng mặt bằng để giao đất bán đấu giá.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, nếu lô đất không đủ diện tích để đấu giá thì có thể cấp đất cho hộ nghèo này luôn được không? Ông Thuận cho biết, lô đất này có cấp cho họ được hay không thì thuộc thẩm quyền của huyện.
“Theo thực tế thì hộ anh Đức, chị Thắm vẫn chưa có đất ở. Căn cứ bản đồ 299 và sổ mục kê thì hiện tại họ đang ở trên đất của bà Nhỏ, vì thế khi bà Nhỏ lấy đất thì họ cũng phải trả lại. Tôi đang cho anh em đi kiểm tra lại nguồn gốc cấp đất trước đây để tham mưu với huyện xem xét trường hợp này”, ông Thuận cho biết thêm.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm xem xét, tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo này, cùng “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc nhở.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.