Cần xem xét lại trường hợp bị thương của ông Nguyễn Phi Thường

Vết thương thực thể trên bụng ông Thường.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Phi Thường (sinh năm 1955, con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quyên, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) tham gia cách mạng từ tháng 10-1971, làm du kích mật.

Trong quá trình tham gia cách mạng, ông Thường đã tháo gỡ, lấy của địch đem về cho du kích xã 10 quả lựu đạn, 1 khẩu súng và 1 quả mìn Claymo. Thành tích của ông được nhiều cán bộ xác nhận, nên ông đã được hưởng chế độ và được công nhận là người có công với nước.

Tuy nhiên, trong một lần vào đồn địch tháo gỡ mìn và lựu đạn, ông sơ ý làm rơi cóc mìn, kíp phát nổ, bị thương thủng bụng, hư mắt trái và gãy 3 xương sườn. Sau giải phóng, qua giám định thương tật, ông được hưởng chế độ thương binh hạng 8/8 (loại 1), tỷ lệ mất sức 85%.

Vậy nhưng, do mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, chị ruột ông làm đơn tố cáo ông không tham gia cách mạng, do nghịch kíp mìn nổ bị thương nên ngày 28-3-1992 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Quyết định 196, cắt chế độ thương binh của ông.

Kể từ đó đến nay, ông đã làm rất nhiều đơn khiếu nại, yêu cầu xem xét lại trường hợp tham gia cách mạng và bị thương của mình, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Xác minh trường hợp của ông, chúng tôi thấy có dấu hiệu oan sai, cụ thể là: Sở LĐ-TB&XH cho rằng ông không phải bị thương khi đánh đồn Cống Bọng như lời khai trong hồ sơ.

Đúng là ông không trực tiếp tham gia đánh đồn Cống Bọng, nhưng trước khi đồn Cống Bọng bị đánh, ông được giao nhiệm vụ vào gỡ 1 quả mìn Claymo và 4 quả lựu đạn địch gài trước cổng đồn, nhưng do sơ ý, ông làm rơi cóc mìn Claymo, kíp phát nổ làm ông bị thương. Như vậy, đồn Cống Bọng bị đánh, ông là người gián tiếp tham gia và có công đầu. Việc ông khai đánh đồn Cống Bọng bị thương thiết nghĩ cũng không có gì sai.

Sở LĐ-TB&XH cho rằng ông không ở trong tổ chức nào? Nếu không ở trong tổ chức sao lại được phân công nhiệm vụ tháo gỡ mìn và lựu đạn của địch để đưa về cho cách mạng?

Vả lại, ông Trần Văn Mạnh, nguyên Phó Bí thư Xã ủy kiêm Xã đội chánh và một số cán bộ lúc bấy giờ đã xác nhận rất rõ ràng là: Xã tổ chức đưa Thường vào làm du kích mật, giao nhiệm vụ nắm tình hình địch, tháo gỡ mìn và lựu đạn của địch đưa về cho du kích.

Những giấy chứng nhận này ông Thường đã giao nộp cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang nhưng không được xem xét, giải quyết. Cũng cần nói thêm, thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, sống trong vùng kiểm soát của địch, làm du kích mật là hoạt động bí mật không phải ai cũng biết được.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là vết thương thực thể, trên bụng ông Thường có 2 vết sẹo lớn bằng bàn tay, nếu nghịch kíp mìn bị nổ cùng lắm chỉ cụt mấy ngón tay. Còn đây là kíp mìn Claymo, mỗi quả có 2 kíp, mà mìn Claymo có sức công phá lớn, có thể thổi bay cả 1 tiểu đội khoảng 12 người.

Ông Thường cho biết, khi tháo kíp ra khỏi quả mìn, ông ôm trước bụng chạy về, do sơ ý làm rơi cóc mìn làm kíp phát nổ, vì vậy mới tạo nên 2 vết thương lớn làm thủng bụng và gãy 3 xương sườn, hư mắt trái, khắp người bị nhăm nát.

Tóm lại, quá trình xác minh cho thấy, ông Nguyễn Phi Thường được Xã ủy tổ chức vào làm du kích mật, ông đã gỡ và lấy được 10 quả lựu đạn, 1 khẩu súng và 1 quả mìn Claymo đem về cho du kích xã.

Trường hợp bị thương của ông được xác định khi đi làm nhiệm vụ (vào gỡ mìn và lựu đạn địch gài trước cổng đồn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng đánh đồn Cống Bọng).

Vậy nhưng, ngày 26-3-2019, Hội đồng xác nhận người có công huyện Cai Lậy họp xét vẫn không công nhận ông Thường là du kích mật, thậm chí các thành viên trong Hội đồng còn cho rằng việc tháo gỡ mìn và lựu đạn là phải do công binh hoặc lực lượng chuyên nghiệp mới tháo gỡ được.

Thiết nghĩ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh du kích của ta đã được nâng lên một tầm cao mới, vô cùng năng động, sáng tạo. Thực tế đã cho thấy, việc tháo gỡ mìn và lựu đạn của địch để đánh địch đã trở thành khá phổ biến.

Điển hình là Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Nhánh ở tuổi thiếu niên đã tháo gỡ được hàng trăm quả mìn và lựu đạn đem về cho du kích đánh địch.

Vả lại, ông Thường cho biết, khi vào du kích mật, ông đã được các chú, các anh hướng dẫn cách tháo gỡ mìn và lựu đạn nên mới dám làm.

Kể về trường hợp bị thương của mình, ông Thường nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi tháo gỡ mìn Claymo, nên khi tháo được 2 kíp mìn ra khỏi quả mìn, tôi mừng lắm, nên cứ thế ôm chạy về. Không may khi vào nhà, tôi vướng vào cửa làm cóc mìn rơi xuống, kíp mìn phát nổ làm bị thương...”.

Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng xác nhận người có công huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh về trường hợp của ông Thường, đồng chí Nhanh cho biết, sự việc của ông Thường đã được trên kết luận, huyện không thể làm khác được. Thiết nghĩ trường hợp tham gia cách mạng và bị thương của ông Thường cần được xem xét lại.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/ban-doc/202004/can-xem-xet-lai-truong-hop-bi-thuong-cua-ong-nguyen-phi-thuong-898090/