Cần xử lý dứt điểm các bãi cát, sỏi sai quy định ở hai bờ sông Đà
Hiện nay, dọc hai bên bờ sông Đà, địa phận TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), tàu chở cát vẫn ùn ùn cập vào các bãi tập kết trái quy định, tạo thành những núi cát, sỏi gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đê; ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân chung quanh, gây bức xúc kéo dài nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền trong tỉnh giải quyết dứt điểm.
Doanh nghiệp chây ỳ, nhờn luật
Những người dân quanh khu vực bức xúc: Không biết các cấp chính quyền đã cấp phép thế nào mà hàng chục bến bãi tập kết cát, sỏi vẫn hoạt động rầm rộ suốt bao năm nay mà chưa thấy các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm? Hoạt động chở cát trên sông vẫn diễn ra ngày đêm... Một số bãi cát, sỏi nằm ngay cạnh quốc lộ 6, phía đầu TP Hòa Bình có lượng xe cộ tham gia giao thông lớn, gây ô nhiễm môi trường, khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Việc các bãi cát, sỏi trái quy định ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay là điều không thể chấp nhận.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đoạn quốc lộ 6 thuộc phường Đồng Tiến, chỉ trong khoảng 1 km mà có tới ba bãi cát, sỏi đang hoạt động vi phạm giao thông đường bộ. Nhiều ô-tô tải “ăn” cát bất kể ngày đêm, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Ở trên sông, cách đây khoảng hai tháng, một đối tượng điều khiển tàu chở cát đã manh động húc chìm một chiếc ca-nô chuyên dụng của lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ. Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ.
Từ tháng 9-2018, UBND phường Đồng Tiến phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị TP Hòa Bình tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm về sử dụng đất không đúng mục đích đối với Công ty TNHH Ben Khải, Doanh nghiệp tư nhân Thắng Vân, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ vận tải Nam Hải. Các doanh nghiệp này đã thừa nhận sai phạm và ký biên bản cam kết đóng cửa bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi. Tuy nhiên, ký biên bản sai phạm xong... họ vẫn tiếp tục hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến Nguyễn Tiến Quý chia sẻ, việc này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng cấp phường cũng chỉ thực hiện theo đúng thẩm quyền là phạt hành chính sai phạm mỗi lần vài triệu đồng rồi báo cáo lên UBND thành phố cho nên không đủ sức răn đe. Hiện nay, phường đã lập kế hoạch phân công chủ tịch, các phó chủ tịch UBND, trưởng công an, cán bộ địa chính thay phiên nhau, mỗi người trực một tuần, nếu thấy tàu cát, sỏi cập bến sai phép sẽ tiến hành lập biên bản phạt.
Được biết, cuối năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định đóng cửa các bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi sử dụng đất sai mục đích ở hai bên bờ sông Đà, thuộc TP Hòa Bình; đồng thời đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các đơn vị tập kết, kinh doanh cát, sỏi hai bên bờ sông Đà không phù hợp với quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt; thành lập tổ công tác liên ngành để thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm... Tuy nhiên, khi thành phố ra quân triển khai gặp phải một số vướng mắc như: một số vị trí chồng lấn vào các dự án trong quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt tại xã Yên Mông; vị trí bờ phải sông Đà thuộc xã Trung Minh có dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đối với các đơn vị tập kết, kinh doanh cát, sỏi thuộc hai bên bờ sông Đà không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh cấp nhưng chưa được thu hồi...
Đùn đẩy trách nhiệm
Trung tá Đinh Mai Anh, Phó Trưởng Công an TP Hòa Bình, Tổ trưởng công tác liên ngành cho biết, việc xử lý các tàu hoạt động sai quy định trên sông và xử lý bến bãi sai phép không thuộc thẩm quyền của Công an thành phố. Công an thành phố chỉ có thẩm quyền bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn và khi phát hiện sai phạm về kinh doanh thì báo cho các cấp chính quyền để phối hợp xử lý.
Trung tá Phạm Mạnh Hà, Đội trưởng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết: Hiện nay, đội quản lý 25 km hạ lưu và 70 km trên lòng hồ sông Đà. Mặc dù đội rất quyết liệt xử lý các tàu chở cát, sỏi vi phạm, nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm bởi liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2019 đến nay, Đội CSGT đường thủy đã phối hợp Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an), Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) tổng kiểm tra 24 bến bãi và lập biên bản phạt 124 triệu đồng; 86 trường hợp vi phạm trên tuyến sông, phạt 160 triệu đồng; lập biên bản phạt 25 trường hợp, thu ngân sách 79 triệu đồng về vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, cát, sỏi trái phép trên sông... chủ yếu với các lỗi hết hạn đăng kiểm chở quá tải và một số trường hợp bằng thuyền trưởng hết hạn. Đáng chú ý, trong sáu tháng đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát môi trường bắt giữ bảy vụ khai thác cát trái phép, phạt 351 triệu đồng...
Trước tình hình trên, UBND thành phố Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các đơn vị tập kết, kinh doanh cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch của UBND tỉnh... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Phạm Quốc Thắng, cho biết: “Việc đã diễn ra từ lâu, nhưng thẩm quyền của thành phố có hạn. Thời gian qua chúng tôi đã ra quân xử lý phạt hành chính một số trường hợp vi phạm, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Thành phố rất quyết tâm về việc này, nhưng để giải quyết triệt để, các sở, ban, ngành liên quan phải phối hợp đồng bộ, quyết liệt, về mấu chốt là UBND tỉnh cần phải thu hồi giấy phép cho thuê đất. Việc này UBND thành phố đã kiến nghị nhiều lần”.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, đã giao cho TP Hòa Bình và các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết. Đồng thời, tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch, do vậy việc thu hồi giấy phép cho thuê đất chưa thể làm ngay được.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Ngọc Quản, hiện nay, trên địa bàn TP Hòa Bình có 11 bến thì chỉ có bốn bến có hợp đồng thuê đất, còn lại bảy bến sử dụng đất không đúng mục đích. Sở Giao thông vận tải đã rút toàn bộ giấy phép bến thủy nội địa của 11 doanh nghiệp từ tháng 4-2019.
Vụ việc trên cho thấy, cấp phường thì quyết liệt, nhưng thẩm quyền lại thấp, không đủ sức răn đe. Còn Đội CSGT đường thủy phạt, nhưng phạt xong, doanh nghiệp lại tiếp tục vi phạm, khiến câu chuyện vẫn cứ nhùng nhằng theo kiểu dưới kiến nghị lên trên, trên lại chỉ đạo xuống dưới. Cũng bởi thế, suốt mấy năm nay, hàng chục văn bản của các ngành, các cấp đã ban hành chỉ đạo xử lý mà sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Trước tình hình nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và UBND thành phố Hòa Bình cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương xử lý dứt điểm các bến, bãi cát, sỏi đang ngang nhiên hoạt động không đúng quy hoạch.