Cần xử lý dứt điểm những xưởng băm keo trái phép
Thời gian qua, trên địa bàn xã Bãi Trành (Như Xuân) mọc lên nhiều xưởng băm keo trái phép tồn tại trên đất nông nghiệp để lại nhiều hệ lụy. Mặc dù đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt và yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý?!
Một xưởng băm keo trái phép tại xã Bãi Trành (Như Xuân).
Có mặt tại xã Bãi Trành theo phản ánh của người dân về tình trạng một số xưởng băm keo “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến xưởng băm keo được cho là của hộ ông Trịnh Văn Hà, ở thôn Cầu. Một người dân sống gần nhà xưởng bức xúc "Tình trạng xưởng băm keo hoạt động ngày, đêm không chỉ gây mùi hôi thối mà tiếng ồn còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương, cấp ngành chức năng về kiểm tra, xử phạt nhưng không hiểu vì sao đến nay cơ sở trái phép này vẫn tồn tại và chưa bị tháo dỡ?”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, khu nhà xưởng nằm xen trong khu dân cư, có vị trí giáp ranh với Trường Tiểu học Bãi Trành. Keo nguyên liệu, thành phẩm được tập kết trên nền diện tích rộng cả nghìn m2. Mặc dù là cơ sở chưa được cấp phép nhưng khu nhà xưởng được đầu tư nhiều hạng mục kiên cố, cùng hệ thống máy móc, dây chuyền có quy mô lớn.
Không chỉ riêng khu nhà xưởng băm keo của gia đình ông Trịnh Văn Hà, mà trên địa bàn xã Bãi Trành còn tồn tại 2 cơ sở băm keo xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp khác. Quá trình hoạt động không chỉ gây tiếng ồn, bụi bặm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà những cơ sở băm keo này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp về vùng nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở hoạt động được cấp phép.
Trước thực trạng trên, ngày 13/10/2023 UBND huyện Như Xuân đã ban hành Quyết định 2107/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Trịnh Văn Hà (sinh năm 1982, ở thôn Cầu, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai. Cụ thể, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm sang để xây dựng nhà, xưởng trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Diện tích chuyển mục đích là 1.550m2 (bao gồm xây dựng khu nhà xưởng sản xuất gỗ bóc với diện tích 400m2, khu bãi tập kết nguyên liệu với diện tích 1.000m2, khu nhà kho thành phẩm với diện tích 100m2, khu nhà xưởng băm dăm 50m2). Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức xử phạt hành chính là 22.500.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Cùng ngày 13/10/2023, UBND huyện Như Xuân cũng đã ban hành các quyết định xử phạt số 2103 và 2106 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đối với ông Nguyễn Văn Xuân (sinh năm 1975, ở thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) và ông Trần Viết Huệ (sinh năm 1981, ở thôn 1, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) với cùng mức phạt là 22.500.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Đến ngày 30/11/2023, UBND huyện Như Xuân ban hành Công văn số 2400/UBND-TNMT về việc chấn chỉnh, xử lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện. Theo đó, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân yêu cầu Chủ tịch UBND xã Bãi Trành tập trung chỉ đạo, đình chỉ hoạt động của 3 đơn vị đã xử lý vi phạm, nếu các cơ sở sản xuất vi phạm vẫn không chấp hành, yêu cầu phối hợp để cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Mặc dù chỉ đạo quyết liệt là vậy, song thực tế cho thấy, các xưởng băm keo trên ngoài việc vẫn lén lút hoạt động thì các hạng mục nhà xưởng, dây chuyền, máy móc... đến nay vẫn chưa được tháo dỡ, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất như theo quy định?