Cần xử lý dứt điểm vụ tranh chấp đất tại Tiểu khu 255, Phúc Thọ
Việc tranh chấp, bao chiếm, dựng nhà không phép tại Khoảnh 6, Tiểu khu 255 trước đây, nay thuộc Thửa 92, tờ bản đồ số 58 xã Phúc Thọ, dẫn tới tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự tại địa phương…
Vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 2/2022, ông Nguyễn Chí Hiếu (SN 1963, thường trú tại huyện Lạc Dương), có đơn gửi cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí tố cáo một số đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông tại xã Phúc Thọ (Lâm Hà). Nội dung đơn cho biết, ngày 24/3/2022, một số đối tượng ngụ tại xã Phúc Thọ, tự ý đến phá hàng rào, hủy hoại cây trồng, đổ đất tác động đến khu vườn rộng hơn 7.600 m2 của gia đình sử dụng liên tục, ổn định từ năm 1997 đến nay thuộc Thửa đất số 220, tờ bản đồ số 58, thôn Phúc Tiến (xã Phúc Thọ, Lâm Hà). Không chỉ hủy hoại tài sản, trước đó ngày 23/2/2022, có người còn xông vào giữa khu đất vây rào kẽm gai bao chiếm đất, dựng nhà trái phép trên thửa đất của gia đình.
Cũng theo trình bày của ông Hiếu, nguồn gốc của khu đất trên, năm 1991 gia đình ông khai phá với diện tích khoảng 10.000 m2, trên đất có dựng một căn nhà gỗ khoảng 60 m2 để ở trồng lúa, bắp, khoai lang. Đến năm 1997, người dân lấn chiếm, đốt luôn ngôi nhà cùng cây trồng, vụ việc có báo cáo cho UBND xã Phúc Thọ lúc bấy giờ. Đến năm 2004 - 2005, gia đình đã phục hồi lại cây trồng và xin chính quyền địa phương làm lại một căn nhà 35 m2 sử dụng ổn định cho đến nay. Trong quá trình sử dụng đất, từ năm 2012, gia đình có cho ông Nguyễn Thanh Nghị, ông Nguyễn Xuân Thảo và ông Quý sử dụng đất để trồng rau màu giữ đất. Đến ngày 23/2/2022, thì xảy ra cớ sự các hộ dân tự ý chiếm đất và hủy hoại cây trồng, tài sản của gia đình.
Để làm rõ vụ việc, ngày 6/4, có mặt tại khu đất đang tranh chấp, chúng tôi được ông Trần Văn Long (trú tại xã Phúc Thọ, người bị ông Hiếu tố cáo hủy hoại tài sản), cho biết không liên quan đến nội dung ông Hiếu tố cáo, gia đình ông chỉ lấy lại phần đất đã khai hoang trước đây nhưng bị ông Hiếu chiếm dụng đang trồng cà tím để sản xuất chứ không có việc bao chiếm đất cũng như phá hoại tài sản của gia đình ông Hiếu. Trình bày với phóng viên các báo, ông Long đã cung cấp một văn bản xử lý vi phạm hành chính - Quyết định số 821/QĐ-KPHQ ngày 14/5/2009 của UBND huyện Lâm Hà áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với bà Hà Thị Sen (mẹ ruột ông Long) để chứng minh diện tích đất tranh chấp trên của gia đình là có cơ sở.
Cũng theo ông Long, năm 1999, gia đình ông có khai hoang khoảng hơn 4.000 m2 đất (nay thuộc một phần của thửa 92, tờ bản đồ số 58, xã Phúc Thọ), trong thời gian ông đang chấp hành án tù thì ông Hiếu đến chiếm đất, không cho mẹ ông sản xuất. Năm 2012, khi chấp hành xong án tù trở về, ông Long đã lấy lại hơn 2.000 m2 để trồng mít, cà ri… Đối với diện tích đất ông Thảo đang trồng cà tím (ông Thảo đang thuê đất của ông Hiếu trồng rau, màu), giáp với đất ông Trường Oanh, từ năm 2009 đến nay, gia đình ông không sử dụng được vì do ông Hiếu ngăn cản nên ngày 28/2/2022, gia đình đã có đơn gửi UBND xã Phúc Thọ đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai với gia đình ông Hiếu.
Trong khi đó, làm việc với cơ quan chức năng, ông Phan Xuân Tùng (một trong 5 người có tên trong đơn tố cáo hủy hoại tài sản của ông Hiếu), cho biết, khoảng năm 1994 đã vào định cư tại thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, gần ngã 3 đường vào thôn Lâm Bô. Thời điểm đó, ông khai phá được khoảng 7 sào đất rừng, sau khai phá vẫn để đất trống, không sử dụng. Năm 1999, mới trồng hoa màu (bắp); năm 2005 gia đình dựng một căn nhà gỗ do ông Tư (ngụ tại Đồng Nai) canh giữ, đến 2008 ông Tư về quê, không ai trông coi nên diện tích trên bị người dân lấn chiếm chỉ còn lại khoảng 3 sào. Đến năm 2010, ông Tùng phá bỏ nhà gỗ và làm nhà xây để bảo vệ đất. Đến năm 2014, ông Hiếu hỏi cho ông Nguyễn Xuân Thảo mượn đất trồng hoa màu nên đồng ý cho mượn, rồi ông Thảo trồng hoa màu trên đất của ông Tùng. Đến tháng 9/2020, gia đình lấy lại đất, thuê người trồng bơ. Từ tháng 4/2021 - 1/2022, ông Tùng phải chấp hành án tù, sau khi trở về địa phương thì biết ông Hiếu làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lấn sang đất của gia đình.
Vụ tranh chấp có nhiều khuất tất và trở nên phức tạp bởi ai cũng khẳng định mình có quyền lợi trên khu đất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND xã Phúc Thọ, nguồn gốc của khu đất này trước đây vốn dĩ là đất rừng trồng thông, nay là đất nông nghiệp. Còn tại báo cáo của UBND huyện Lâm Hà đề ngày 8/4, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tiểu khu 255 trước đây, nay là thôn Phúc Tiến, xã Phúc Thọ, khu vực đang tranh chấp thuộc thửa 92, tờ bản đồ 58 xã Phúc Thọ (thuộc lô b, khoảnh 6, Tiểu khu 255 trước đây). Hiện trạng khu đất được chia thành 5 lô, vị trí này nay thuộc đất nông nghiệp, và quy hoạch đất ở nông thôn mới.
Theo UBND huyện Lâm Hà, căn cứ hồ sơ quản lý, bảo vệ rừng, hồ sơ địa chính và kết quả làm việc với các hộ dân cho thấy diện tích các hộ đang tranh chấp có nguồn gốc là đất lâm nghiệp đã được Nhà nước đầu tư trồng rừng từ năm 1995 theo Chương trình 137. Năm 2004, diện tích trên là đất hoang (không có hộ gia đình, cá nhân nào sử dụng đất). Đến năm 2009, các hộ gia đình, gồm hộ ông Nguyễn Chí Hiếu, hộ bà Hà Thị Sen, hộ ông Nguyễn Khắc Tình lấn, chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Lâm Hà cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để thu hồi đất giao cho đơn vị chủ rừng trồng lại rừng. Vì vậy, việc các hộ dân có đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết tranh chấp đất đai đối với diện tích đất lấn, chiếm là không có cơ sở.
UBND huyện Lâm Hà yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ phạm vi, diện tích đất mà UBND huyện đã xử lý vi phạm hành chính (hành vi chiếm đất), đối với các hộ ông Hiếu, Tình và bà Sen để lập hồ sơ cưỡng chế, bàn giao đất cho UBND xã Phúc Thọ quản lý, sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng trường hợp ông Phan Xuân Tùng, huyện đề nghị các cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.