Cần xử lý nghiêm hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm trả nợ

Lợi dụng mối quan hệ là học trò cũ, Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1979, trú TP. Thủ Đức, TPHCM) vay tiền của cô giáo. Cha (nguyên Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng) và mẹ của Hạnh cùng ký vào giấy bảo lãnh, thế chấp 'sổ đỏ' vay tiền, nhưng liền đó mượn lại sổ rồi lòng vòng tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Hành vi này cần lên án và xử lý nghiêm theo pháp luật.

GIAN DỐI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Theo nội dung đơn của bà Trần Thị H. (SN 1961, trú P10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cùng hồ sơ liên quan, nội dung các bản án dân sự của TAND 2 cấp tỉnh Lâm Đồng đã xét xử, Hạnh lúc nhỏ cùng gia đình sống ở Đà Lạt, học mẫu giáo với bà H., khi đó là giáo viên một trường mầm non. Thấy học trò có năng khiếu múa nên bà H. dạy cho Hạnh. Cha mẹ Hạnh là ông Trần Đình Phác (SN 1942) và bà Nguyễn Thị Tằm (SN 1950) thường ngày đưa đón con, gửi Hạnh ở nhà cô giáo, hai bên đi lại thân tình.

Ngày 24/10/2019, Hạnh và chồng là N.A.D cùng ông Phác - bà Tằm đến công ty bà H. làm việc, nhờ vay dùm 3,2 tỷ đồng để Hạnh hoàn công nhà và mua đất, hẹn ngày 29/10/2019 trả. Bà H. cho biết khi đó có mở công ty chế biến thực phẩm sạch nên cũng có chút vốn liếng, nhưng không có tới mấy tỷ cho Hạnh vay. Nhưng Hạnh và vợ chồng ông Phác cứ năn nỉ, nếu không có tiền chồng tiếp cho sẽ bị mất cọc nên nhờ bà H. vay giúp, lãi suất sao cũng chịu vì họ không có khả năng vay.

Nghĩ vợ chồng ông Phác uy tín, bà H. lấy một phần tiền của mình và hỏi vay thêm, lãi suất 1.000 đồng/triệu/ngày, Hạnh đồng ý và nhận đủ 3,2 tỷ đồng. Hai bên thống nhất lập "Hợp đồng cho mượn tiền" (HĐ), bên vay là Trần Thị Mỹ Hạnh; vợ chồng ông Phác là người bảo lãnh. Tài sản bảo đảm thế chấp khoản vay là giấy CNQSDĐ ("sổ đỏ"), nhà ở với diện tích đất, căn nhà hơn 103m2, mang tên vợ chồng Hạnh tại hẻm Ngô Quyền, P6, TP.Đà Lạt. Nhưng liền đó, Hạnh mượn lại "sổ đỏ", nói để hoàn công, thế chấp ngân hàng vay tiền trả nợ. Tin tưởng Hạnh và vợ chồng ông Phác, phần vì HĐ cho mượn tiền đã ghi rõ việc thế chấp sổ, có người bảo lãnh nên bà H. đồng ý.

Hồ sơ liên quan vụ án.

Hồ sơ liên quan vụ án.

Đến hạn, Hạnh không trả được nợ, nói đang làm thủ tục vay ngân hàng, xin khất vài ngày. Cùng lúc, vợ chồng ông Phác cũng gọi điện nói đỡ cho con nên bà H. chấp nhận. Ngày 07/11/2019, Hạnh lại đến công ty bà H. xin vay thêm 1,1 tỷ đồng để chồng thêm vì hoàn công chưa xong, chưa đủ thủ tục nên ngân hàng chưa giải ngân. Lần này, bà H. yêu cầu phải có vợ chồng ông Phác đứng ra bảo lãnh thì mới giúp. Vợ chồng ông Phác đến công ty bà H. cùng Hạnh ngồi chờ bà H. gọi hỏi vay thêm 1,1 tỷ đồng. Nhận tiền, Hạnh viết tổng nợ bà H. 4,3 tỷ đồng, không hẹn ngày trả, chèn vào "HĐ cho mượn tiền" mà 3 bên đã ký trước đó.

Sau đó, Hạnh đem tiền trả bớt cho bà H. Đến ngày 02/12/2019, khi tiền nợ còn lại 2,88 tỷ đồng, Hạnh đặt vấn đề vay lại số tiền này và vay thêm bà H. 2 tỷ đồng nói để thanh toán hết tiền vay mua nhà, hẹn ngày 06/12/2019 trả dứt nợ. Vợ chồng ông Phác cũng đứng ra nói giúp cho con. Bà H. vay mượn thêm để đưa cho Hạnh; trong đó có 2,88 tỷ đồng Hạnh mang tới. Vợ chồng ông Phác và Hạnh ký tên bên vay nợ, người bảo lãnh và điểm chỉ làm tin.

Sau này, bà H. mới biết 2 tỷ đồng Hạnh và vợ chồng ông Phác vay thêm nói để thanh toán tiền mua nhà, nhưng thực chất Hạnh chuyển ngay cho anh trai là Trần Trung H. (ở TPHCM).

XIN TRẢ MỖI THÁNG VÀI TRIỆU ĐỒNG (?!)

Đến hạn trả tiền, bà H. liên lạc Hạnh không được, đến nhà thì đóng cửa, qua nhà gặp vợ chồng ông Phác, họ nói con gái và con rể đã đi trốn nợ. Tìm hiểu, bà H. mới biết từ đầu tháng 11/2019, vợ chồng Hạnh đem tài sản đảm bảo cho khoản vay là "sổ đỏ" căn nhà tại hẻm Ngô Quyền (P6, TP. Đà Lạt) chuyển nhượng sang tên cho một chủ nợ khác của Hạnh là bà N. Bà H. cay đắng vì tin Hạnh và vợ chồng ông Phác nên đưa lại sổ cho Hạnh mượn, nói là về làm thủ tục hoàn công, vay ngân hàng trả nợ. Nhưng thực chất họ đem gán nợ cho người khác.

Sau đó, do phía gia đình ông Phác đã trả nợ cho bà N., bà này chuyển lại tài sản trên đứng tên vợ chồng ông Phác - bà Tằm. Bà H. làm đơn tố cáo vợ chồng Hạnh đến cơ quan Công an về hành vi chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn bà H. kiện ra tòa án dân sự.

Ngày 06/9/2023, TAND TP.Đà Lạt thụ lý, xét xử vụ án, chấp nhận yêu cầu khởi kiện "Tranh chấp HĐ dân sự vay tài sản có bảo lãnh" của nguyên đơn Trần Thị H.; xác định tư cách tham gia tố tụng của Trần Thị Mỹ Hạnh, ông Trần Đình Phác, bà Nguyễn Thị Tằm là bị đơn. HĐXX tuyên buộc các bị đơn phải có trách nhiệm liên đới trả cho bà H. hơn 6,7 tỷ đồng; trong đó 4,880 tỷ là tiền nợ gốc, còn lại là lãi phát sinh (45 tháng) với mức lãi suất 10/%/năm.

Ông bà Phác kháng cáo. TAND tỉnh Lâm Đồng lên lịch đưa vụ án ra xét xử, vợ chồng ông Phác và Hạnh 2 lần xin hoãn phiên tòa. Trong thời gian này, họ tẩu tán tài sản. Cụ thể, ngày 02/12/2023, vợ chồng ông Phác ra Phòng công chứng làm thủ tục tặng cho con trai út Trần Đình Hùng mà cả Tòa án và bà H. đều không hay biết. Ngày 08/12/2023, xét xử phúc thẩm, căn cứ vào tài liệu chứng cứ, hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Lâm Đồng bác kháng cáo của bị đơn Trần Đình Phác - Nguyễn Thị Tằm, giữ nguyên phán quyết của bản án sơ thẩm.

Sau khi có bản án, bà H. có đơn yêu cầu thi hành án (THA). Chấp hành viên mời 3 bên lên làm việc. Lúc này, bà H. mới tá hỏa việc ông Phác - bà Tằm "tranh thủ" thời gian xin hoãn phiên tòa đã tặng cho, chuyển tên tài sản cho con trai và không có tài sản khác để đảm bảo việc THA. Làm việc với cơ quan THA, vợ chồng ông Phác và Hạnh xin được trả cho bà H. mỗi tháng 5-10 triệu đồng. Bà H. không đồng ý. Chấp hành viên cũng nhắc nhở, trả kiểu vặt vãnh ấy cán bộ không có thời gian đi thu. Nhưng vợ chồng ông Phác và Hạnh nói không có phương án trả nợ khác, chỉ trông vào lương hưu của vợ chồng ông Phác.

Ông Phác từng công tác tại Tỉnh ủy Lâm Đồng, có 4 năm làm Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng. Tại cả 2 phiên xét xử, ông Phác nói do giúp con, chỉ làm chứng việc vay mượn, không sử dụng tiền, bị con gái với bà H. lừa... Các thẩm phán ở cả 2 cấp tòa bác lời khai này, phân tích rằng ông và người nhà đến công ty người ta vay, nhận tiền chứ không bị ai cưỡng ép.

Bà H. cũng khẳng định, đến lúc này Hạnh không trả một đồng lời lãi nào cho mình; trong khi đó, hơn một nửa số tiền cho Hạnh vay bà phải trả lãi đến tận bây giờ. Khi vay, bà H. cũng nói chỉ vay trong mấy ngày theo như Hạnh hứa hẹn, nhưng kéo dài suốt mấy năm không trả khiến bà H. và gia đình bị ảnh hưởng uy tín. Tại tòa và cơ quan Công an, ông Phác cùng Hạnh tố bà H. "cho vay lấy lãi" khiến bà cay đắng.

Hội đồng xét xử TAND 2 cấp tỉnh Lâm Đồng phân định rõ: Bà Hạnh, ông Phác, bà Tằm đều là người có năng lực, hành vi dân sự đầy đủ nên phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà ông bà đã ký. Bà Hạnh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với khoản tiền đã vay của bà H. Do đó, ông Phác, bà Tằm phải chịu trách nhiệm người bảo lãnh đối với toàn bộ số tiền 4,880 tỷ đồng được ghi trong "HĐ cho mượn tiền".

Được biết, Hạnh còn là "con nợ" của 3-4 chủ nợ khác với số tiền nhiều tỷ đồng mà Tòa án đã và đang thụ lý. Có chủ nợ kiện đòi tiền thì Hạnh dọa kiện lại họ tội cho vay lãi nặng.

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/can-xu-ly-nghiem-hanh-vi-tau-tan-tai-san-tron-tranh-trach-nhiem-tra-no_161506.html