Cần xử lý nghiêm hành vi trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh
Thời gian qua, dư luận tỉnh Kon Tum xôn xao vì một công ty mới thành lập là Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tuyên bố sẽ mang thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới và hiện đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh. Thế nhưng đến nay, công ty này đóng cửa thường xuyên còn 10 ha sâm thì lực lượng chức năng xác định không hề có.
Thương hiệu sâm Ngọc Linh-"Quốc bảo" Việt Nam đã được chứng minh là loại sâm quý hiếm trên thế giới với nhiều dưỡng chất không có trên các loại sâm khác cho nên mức giá lên đến hơn 100 triệu đồng/kg sâm tươi. Thế nên, thời gian qua nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kon Tum tìm kiếm cơ hội đầu tư để trồng, phát triển sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp làm thật thì vẫn còn đó một số cá nhân, doanh nghiệp tổ chức khai trương, khánh thành hoành tráng, khuếch trương sản phẩm, thương hiệu của mình là từ sâm Ngọc Linh, nhưng thực tế chỉ là trục lợi thương hiệu loài sâm quý hiếm này.
Trục lợi thương hiệu
Cuối tháng 11 năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (gọi tắt Công ty Sâm Việt Nam) tổ chức lễ khai trương hoành tráng, chính thức ra mắt, hoạt động tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Để khuếch trương, công ty này đã mời nhiều lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh tới dự. Tại đây, Công ty Sâm Việt Nam công bố đã trồng 10 ha vườn sâm Ngọc Linh, trưng bày hàng trăm sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và đặt tham vọng lớn là đưa sâm Ngọc Linh ra thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam khẳng định trong ngày ra mắt: "Hiện tại bên công ty chúng tôi có vườn sâm gốc 10 ha, trồng từ 1 đến 8 năm, trong đó tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) 8 ha và tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) 2 ha. Cùng đó là khu nuôi cấy mô tại huyện Kon Plông. Ngoài ra, công ty còn có mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân tại chỗ ở Tu Mơ Rông và Đăk Glei, là nguồn lực để chăm sóc cho cây sâm…".
Với những công bố của Công ty Sâm Việt Nam, người dân Kon Tum rất phấn khởi vì thương hiệu sâm Ngọc Linh sẽ sớm vươn tầm ra thế giới, nâng giá trị và uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, "ngày vui ngắn chẳng tày gang", ngay sau lễ khai trương không lâu, thì Công ty Sâm Việt Nam đã bị phanh phui về việc công ty này không hề sở hữu 10 ha như đã công bố.
Vào ngày khai trương, công ty này giới thiệu hàng trăm sản phẩm có thành phần từ sâm Ngọc Linh. Một sản phẩm rượu sâm Việt Nam của Công ty Sâm Việt Nam quảng bá rằng "được tinh chế từ Quốc bảo SÂM NGỌC LINH sâm số 1 thế giới với 52 thành phần saponin, trồng tự nhiên dưới tán cây cổ thụ, nơi đại ngàn Ngọc Linh cao hơn 1.779 m" với thành phần là sâm Ngọc Linh và rượu nếp lên men, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân tỉnh Kon Tum băn khoăn về việc Công ty Sâm Việt Nam mới thành lập năm 2019, chưa từng thu hoạch được một cây sâm nào thì những thành phần trong sản phẩm liệu có đúng như quảng bá (?!). Theo một số chuyên gia về marketing thì: Ngay cả việc đặt tiêu đề thương hiệu của Công ty Sâm Việt Nam: "Sâm Việt Nam-Quốc bảo Việt Nam-Thương hiệu của người Việt" cũng dễ gây hiểu lầm có lợi cho công ty này khi họ cố tình đánh lận tên công ty và thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Ngoài việc công bố những thông tin không có thật về vườn sâm Ngọc Linh, dễ nhầm lẫn với sâm Ngọc Linh thì Công ty Sâm Việt Nam còn có những tính toán riêng khi tháng 4/2021, công ty này đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây. Theo các chuyên gia trồng sâm lâu năm, thì sâm trồng bình quân 10 nghìn cây/ha, với số lượng này, diện tích Công ty Sâm Việt Nam đã trồng ít nhất là 50 ha, không phải 10 ha như công bố. Việc này đặt cho dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ trên có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ một nơi nào khác (?!).
Cần xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Khi bị phanh phui việc trồng sâm Ngọc Linh... "trên giấy", bị các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, Công ty Sâm Việt Nam đã dùng một số phương tiện truyền thông viết bài quảng bá về cá nhân và công ty này, gây nhiễu loạn truyền thông, hoang mang dư luận.
Trước sự việc đó, ngày 5/1/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ra Văn bản số 37/VP-NNTN về việc xác minh thông tin báo chí phản ánh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của các báo về tình trạng sâm Ngọc Linh trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.
Ngày 10/1/2022, Tổ công tác liên ngành đã xây dựng kế hoạch, gửi công văn thông báo lịch làm việc; ngày 12/1, gửi giấy mời đi kiểm tra thực địa để làm cơ sở rà soát, đối chiếu hồ sơ liên quan đến việc trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Việt Nam. Thế nhưng, cả ba lần Tổ công tác liên ngành đến trụ sở Công ty Sâm Việt Nam đều được nhân viên công ty này thông báo không có lãnh đạo ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, cho nên không làm việc được với Tổ công tác.
Sau quá trình xác minh, ngày 17/1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về Công ty Sâm Việt Nam. Theo đó, việc công ty này công bố sở hữu 10 ha và liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông là không có thật.
Riêng thông tin Công ty Sâm Việt Nam công bố với các phương tiện truyền thông việc liên kết hợp tác với các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh, quá trình kiểm tra cho thấy: Trong năm 2020, ông A Ngao và ông A Ghôi (xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông), có bán cho công ty này số lượng 550 cây sâm Ngọc Linh ước khoảng 300 triệu đồng. Sau đó, Công ty Sâm Việt Nam gửi lại cho ông A Ngao và ông A Ghôi trồng tại tiểu khu 225 và 226 trên địa bàn xã Ngọk Lây. Trong năm 2021, ông A Ngao đã cho thu được khoảng 1.000 hạt và gieo số hạt sâm Ngọc Linh này tại vườn và được hỗ trợ chi trả tiền công bảo vệ và chăm sóc số lượng cây sâm Ngọc Linh nói trên với giá 100 nghìn đồng/ngày. Trong quá trình mua bán, ông A Ngao và ông A Ghôi có ký hợp đồng với công ty nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện trong hợp đồng gồm: nội dung hợp tác; số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh; vị trí và diện tích trồng.
Việc Công ty Sâm Việt Nam đóng cửa, bất hợp tác với lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum để làm rõ các nội dung liên quan đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn với nhiều câu hỏi được đặt ra: Các sản phẩm của Công ty Sâm Việt Nam liệu có đúng là có thành phần sâm Ngọc Linh như tuyên bố hay là hành vi lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để trục lợi? Các sản phẩm này hiện nay đang lưu thông trên thị trường hay ở đâu? Việc trục lợi này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh như thế nào?
Đây là câu hỏi rất cần các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum làm rõ. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chế tài xử phạt thật nghiêm những hành vi gian dối nhằm trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh để không ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh.