Cần xử lý nghiêm nạn phá hoại cây trồng
Để tạo lập được vườn cây, nông dân phải tiêu tốn không ít công sức, tiền của. Thế nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ vườn cây, hoa màu của nông dân bị chặt phá, khiến công sức của nhà nông 'đổ sông, đổ bể'.
Theo các cơ quan chức năng, việc tìm ra thủ phạm phá hoại cây trồng ở nông thôn không phải dễ vì các vườn rẫy thường nằm cách xa khu dân cư, thủ phạm thường ra tay vào ban đêm nên khó tìm được dấu vết.
* “Ném đá giấu tay”
Sáng 9-4, ông P.N.H. (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) vào thăm vườn bưởi ở xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) thì thấy toàn bộ vườn bưởi rộng gần 7 sào, với gần 200 cây bưởi da xanh 2 năm tuổi đã bị chặt sát gốc. Ông H. cho biết, vườn cây này được ông mua lại của người khác với giá khoảng 2 tỷ đồng và ông không có mâu thuẫn với ai. Vụ việc đang được Công an H.Thống Nhất điều tra, làm rõ.
Trước đó vào cuối tháng 10-2019, ông L.M.H. (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) cũng phát hiện khoảng 300 gốc bầu, bí phía sau khu đất của ông canh tác đã bị nhổ bỏ chỉ sau một đêm. Ông H. cho biết, đây là số bầu, bí được ông trồng cách đây khoảng 2 tháng, đã có nụ và chỉ vài tuần nữa là thu hoạch.
Cũng có trường hợp, người dân đặt camera thấy được đối tượng có dấu hiệu phá hoại vườn cây nhưng để tìm ra cơ sở để xử lý cũng rất khó khăn. Trường hợp của ông L.V.P. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) là một ví dụ. Nhiều năm nay, vườn cây của gia đình ông bị phá hoại khiến kinh tế gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ông P. kể, gia đình ông có hơn 1,5ha rẫy, ông đã bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư hơn 500 cây bơ và 200 cây đu đủ. Khi cây trồng đã bắt đầu cho thu hoạch thì trong năm 2017, ông P. bắt gặp ông B.T. - hàng xóm - đạp gãy gần hết vườn cây đu đủ của nhà ông. Sau đó Công an xã đã mời cả hai lên làm việc và hòa giải.
Đến ngày 20-6-2018, vợ ông P. kiểm tra camera gắn trong vườn thì phát hiện lúc sáng cùng ngày, người hàng xóm đeo chiếc bình bên trong chứa chất lỏng đi qua vườn bơ xịt vào các gốc cây. Khi ra kiểm tra thì phát hiện gốc cây có bột thuốc mờ nhưng ông P. không biết là thuốc gì. Khoảng 20 ngày sau, 300 cây bơ bị héo lá, chết dần nên ông P. lại một lần nữa trình báo cơ quan có chức năng.
Ngày 4-9-2019, Công an H.Định Quán ra thông báo kết luận định giá tài sản thiệt hại cho vườn bơ bị hủy hoại là hơn 417 triệu đồng. Cùng ngày, Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hủy hoại tài sản nhưng chưa khởi tố bị can vì chưa có đủ cơ sở xác định thủ phạm.
Trong lúc gia đình ông P. đang chờ cơ quan chức năng giải quyết thì trong tháng 1 và tháng 2-2020, vườn bơ của gia đình ông tiếp tục bị ai đó đắp hóa chất màu trắng vào hàng trăm gốc bơ còn lại. Hiện Công an và Viện KSND H.Định Quán đã lập biên bản, thu giữ mẫu hóa chất và ghi nhận tổng số cây bơ bị đầu độc từ trước đến nay là 400 cây. Công an H.Định Quán vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
* Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Trợ giúp viên Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho biết, hành vi tự ý chặt phá, dùng thuốc hóa học làm chết cây trồng, hoa màu của người khác là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc xử lý hình sự với mức phạt lên tới 20 năm tù.
Trợ giúp viên Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho rằng, các quy định về xử lý đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng cây trồng của người khác đã có chế tài xử lý. Nếu cơ quan chức năng điều tra, xác định rõ hành vi cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, tránh để tình trạng này tái diễn nhằm bảo vệ tài sản của bà con nông dân, giữ gìn an ninh trật tự ở vùng nông thôn.
“Nếu hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản thì người phá hoại cây trồng, hoa màu sẽ bị xử phạt hành chính với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác với mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng theo Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” - ông Vinh nói.
Trong trường hợp cơ quan công an đã điều tra, xác định được người phá hoại cây trồng đủ yếu tố chịu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; để che giấu tội phạm khác; tái phạm nguy hiểm... Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm tù.