Cần xử lý triệt để, công khai và minh bạch
Công khai, minh bạch và quản lý chặt quy hoạch xây dựng, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm được xem là những giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép hiện nay.
* Quy hoạch phải được thực hiện nghiêm
Để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng “xử phạt rồi cho hợp thức hóa”, nhất là đối với các công trình xây dựng “khủng” vi phạm. Trên thực tế, hiện nay tình trạng nhiều công trình xây dựng trái phép sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì tiến hành nộp phạt và hoàn thành các thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng diễn ra khá nhiều. Điều này, tạo ra tiền lệ xấu khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý đối với các công trình vi phạm mới. Đồng thời, các công trình vi phạm rồi được hợp thức hóa này cũng dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, để lập lại trật tự xây dựng, hạn chế các vi phạm thì vấn đề quản lý quy hoạch phải được thực hiện nghiêm.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Đồng Nai là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Do đó, nếu quy hoạch và quản lý không tốt sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. “Quy hoạch phải chuẩn và phải được thực hiện nghiêm. Các địa phương dựa vào những quy hoạch đó mà cấp phép xây dựng về nhà ở, dự án, cấp điện, nước theo đúng quy định” - Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để quản lý tốt trật tự xây dựng, việc phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là ngành xây dựng và tài nguyên - môi trường cũng phải thực hiện đồng bộ. Bởi xây dựng và đất đai là 2 lĩnh vực liên quan mật thiết với nhau. “Hiện nay một số quy định về quản lý đất đai và quản lý xây dựng lại chưa phù hợp với nhau” - ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, ngoài việc quản lý quy hoạch, phải xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là vai trò người đứng đầu khi xảy ra xây dựng trái phép. Cấp cơ sở là nơi bám sát nhất với thực tế ở địa phương, do đó nếu làm tốt, phát hiện sớm các trường hợp sai phạm thì việc xử lý sẽ kịp thời, không kéo dài gây phức tạp. “Phải phân định rõ và có biện pháp chế tài với trách nhiệm của người đứng đầu cấp cơ sở khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép. Bởi nếu chỉ trông chờ vào cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ không kịp thời và khó có thể xử lý hết các trường hợp vi phạm” - ông Trần Văn Quang nêu quan điểm.
* Tính toán kỹ nhu cầu về nhà ở của người dân
Một trong những “điểm nóng” của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện nay là việc xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, tại các khu vực gần các khu, cụm công nghiệp, tình trạng này càng xảy ra phức tạp hơn. Nguyên nhân là do nhu cầu về nhà ở, nhất là của công nhân lao động rất lớn. Do đó, các “đầu nậu” buôn bán đất cũng nắm bắt thời cơ thực hiện việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép để đáp ứng nhu cầu. Kéo theo đó, tình trạng xây dựng trái phép cũng diễn ra tràn lan.
Lấy dẫn chứng cho thực trạng này, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết, từ giữa năm 2018, khi Cụm công nghiệp Hưng Lộc (xã Hưng Lộc) được khởi công xây dựng, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại địa bàn diễn ra phức tạp hơn. Cụm công nghiệp này dự kiến sẽ thu hút từ 3-5 ngàn công nhân, nhu cầu về nhà ở vì thế tăng theo. Nắm được tình hình này, nhiều đối tượng buôn đất ngay lập tức tìm mua đất nông nghiệp để phân lô, bán nền cho công nhân. “Họ mua đất sào, đất mẫu rồi phân lô bán nền, tình hình vi phạm trật tự xây dựng vì thế cũng phức tạp theo” - ông Nguyễn Văn Quang cho biết.
Trên thực tế, do đặc điểm phát triển mạnh sản xuất công nghiệp nên tốc độ tăng dân số cơ học trên địa bàn tỉnh rất nhanh. Do đó, nhu cầu về nhà ở, nhất là đối với công nhân lao động rất lớn. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh tế nên công nhân lao động thường mua đất giao dịch bằng giấy tay có giá rẻ, sau đó tiến hành xây dựng nhà trái phép.
Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ nhu cầu về nhà ở của người dân. Từ đó, quy hoạch thêm các khu vực đất ở để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép. Điều này là rất cấp thiết trong bối cảnh Đồng Nai đang triển khai mở rộng và quy hoạch thêm hàng loạt khu, cụm công nghiệp mới trong thời gian tới. “Để giải quyết tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép cần tính toán kỹ nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là công nhân tại các khu vực phát triển công nghiệp” - ông Trần Văn Quang, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị.