Canada: Bộ trưởng Tài chính từ chức sẽ trở thành thủ tướng?
Sau gần một thập niên nắm quyền, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cuối cùng cũng bị khuất phục trước làn sóng chỉ trích quá lớn. Một trong số nhân vật chỉ trích gay gắt nhất là cấp phó từng trung thành và phục vụ lâu nhất.
Trong thư từ chức vào tháng 12.2024, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland mô tả cấp trên theo đuổi “trò chơi chính trị tốn kém” mà đất nước không đủ khả năng trả giá. Giữa bà với Thủ tướng Trudeau xung đột về chính sách miễn thuế bán hàng 2 tháng dịp lễ cuối năm và khoản trợ cấp 250 CAD (175 USD) cho người dân.
Cựu Bộ trưởng Freeland nói rằng mình bất đồng quan điểm về “con đường tốt nhất để tiến về phía trước”, đồng thời ngụ ý về tình trạng mất lòng dân của cấp trên: “Người dân Canada biết lúc nào chúng ta làm việc cho họ, cũng như lúc nào chúng ta tập trung cho bản thân”.
Vài tuần sau khi cựu Bộ trưởng Freeland từ chức, Thủ tướng Trudeau thông báo từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền để giảm mức độ chia rẽ trong chính trường Canada hiện tại.
Thời gian gần đây Thủ tướng Trudeau đã phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ người dân lẫn phe đối lập không ngừng lớn mạnh. Tuy nhiên quyết định từ chức của Bộ trưởng Freeland mới chính là bước ngoặt giáng đòn mạnh vào nhà lãnh đạo.
Quyết định từ chức dường như còn báo hiệu cựu Bộ trưởng Freeland khởi động chiến dịch tranh cử. Nhiều thành viên đảng Tự do đang chuẩn bị chạy đua thay thế Thủ tướng Trudeau và nữ chính trị gia 56 tuổi này được xem như ứng viên hàng đầu. Một khảo sát do nhà thăm dò Nik Nanos thực hiện tuần trước cho kết quả bà được đa số người dân Canada lựa chọn trong số 9 ứng viên. Thậm chí phe đối lập cũng đánh giá cựu Bộ trưởng Freeland là người kế nhiệm tiềm năng.
“Bộ trưởng của mọi thứ”
Cựu Bộ trưởng Freeland - đảng viên Tự do kỳ cựu - từng giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Canada, được cộng đồng quốc tế chú ý và được báo chí Canada đặt biệt danh “Bộ trưởng của mọi thứ”. Theo Giáo sư Nelson Wiseman (Đại học Toronto): “Bà ấy có lẽ là người có địa vị cao nhất trong số các bộ trưởng nội các, ngoại trừ thủ tướng”.
Lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Bộ trưởng Freeland với tư cách ngoại trưởng phải giải quyết căng thẳng giữa hai nước xoay quanh thuế nhôm thép. Bà tích cực tham gia đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
“Về cơ bản Canada chẳng cho Mỹ thứ gì khi đàm phán cả. Tổng thống Trump gần như đầu hàng”, Giáo sư Wiseman cho biết.
Vì lý do trên mà cựu Bộ trưởng Freeland trở thành mục tiêu công kích cá nhân của Tổng thống Trump. Thời gian gần đây ông chỉ trích bà “độc hại và không hề có lợi cho đàm phán đạt thỏa thuận”. Phía nữ chính trị gia không ngần ngại lên án Tổng thống Trump hành động như kẻ bắt nạt.
Sinh ra tại tỉnh Alberta trong gia đình có mẹ là người Ukraine, cựu Bộ trưởng Freeland theo học Đại học Harvard rồi trở thành nhà báo chuyên đưa tin về Nga và Ukraine. Năm 2013 bà trở thành nghị sĩ quốc hội.
Sự nghiệp của cựu Bộ trưởng Freeland thăng tiến khi Thủ tướng Trudeau lên nắm quyền. Nữ chính trị gia lần lượt giữ chức bộ trưởng thương mại quốc tế, ngoại trưởng rồi phó thủ tướng. Sau khi Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau từ chức vì bê bối đạo đức vào tháng 8.2020, bà kiêm nhiệm cả vị trí này kèm nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế gặp khó khăn vì đại dịch.
Ở vai trò mới, cựu Bộ trưởng Freeland giám sát nỗ lực cải tổ tài chính đồng thời cắt giảm thâm hụt ngân sách. Mâu thuẫn với Thủ tướng Trudeau bắt nguồn từ đây.
Về ngoại giao, bà ủng hộ Ukraine mạnh mẽ. Giáo sư Lori Turnbull (Đại học Dalhousie) cho biết: “Tại Canada có cộng đồng người Ukraine di cư đông đảo. Cựu Bộ trưởng Freeland có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Ukraine, đồng cảm thực sự là thế mạnh của bà”.
Nữ chính trị gia góp phần định hình lập trường đẩy mạnh viện trợ cho Ukraine, đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài. Bà còn mong Ukraine gia nhập NATO.
Khủng hoảng chờ đợi Canada
Người dân Canada đánh giá cựu Bộ trưởng Freeland rất có năng lực, nhưng liên hệ chặt chẽ với một chính phủ làm mất lòng dân.
Người lao động đã nghỉ hưu Rod Matheson chia sẻ: “Tôi nghĩ bà ấy làm rất tốt khi đàm phán Hiệp định Thương mại Mỹ - Canada - Mexico (USMCA). Bà thể hiện năng lực trong suốt sự nghiệp. Nhưng thật đáng xấu hổ khi bà lại làm bộ trưởng tài chính với một ngân sách không bao giờ được kiểm soát. Thâm hụt, nợ nần đang ngoài tầm kiểm soát. Chắc chắc sẽ khó khăn trong một khoảng thời gian nhưng đã đến lúc cần cắt giảm. Tôi biết bà ấy đang chạy đua cho vị trí lãnh đạo đảng Tự do. Tôi hơi đổ lỗi cho Freeland vì phụ trách tài chính nên không nghĩ bà phù hợp”.
Người kế nhiệm sắp tới có thể không nắm quyền lâu dài. Khi từ chức, Thủ tướng Trudeau đình chỉ quốc hội đến ngày 24.3. Bất cứ ai trở thành tân lãnh đạo đảng Tự do đều phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi quốc hội nhóm họp trở lại.
“Thủ tướng tiếp theo không có động lực tái triệu tập quốc hội vì lúc đó họ sẽ trải qua qua bỏ phiếu bất tín nhiệm và chắc chắn nhận thất bại. Những gì có thể làm là yêu cầu giải tán quốc hội rồi tổ chức bầu cử”, theo Giáo sư Wiseman. Hiện tại đảng Bảo thủ đối lập đang được ủng hộ hơn.
Nền kinh tế Canada vốn không ổn do lạm phát và chi phí sinh hoạt cao lại chịu thêm áp lực từ lời đe dọa đánh thuế nếu không giúp ngăn chặn nhập cư trái phép từ Tổng thống Trump.
Dân số Canada tăng liên tục, một phần do số người nhập cư tăng. Cựu Bộ trưởng Freeland từng ám chỉ khả năng tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi người nhập cư phải đến theo cách có tổ chức, có hệ thống.