Canada: Đội ngũ luật sư Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật

Canada theo đuổi hình thái nhà nước dân chủ hiện đại và sử dụng số lượng lớn luật sư (LS) trong các cơ quan công quyền, nhưng đội ngũ LS làm việc trong nhánh hành pháp lại có vị trí và vai trò tương đối đặc biệt, bởi họ còn đại diện cho chế độ quân chủ đứng đầu là Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị và ủy quyền cho đại diện của mình là Toàn quyền Canada.

Một nhóm luật sư Canada đang họp bàn công việc - Ảnh minh họa prepareforcanada.com

Một nhóm luật sư Canada đang họp bàn công việc - Ảnh minh họa prepareforcanada.com

Về cơ bản, LS Chính phủ của Canada nói chung có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của Canada, họ vừa là người đưa ra tư vấn pháp lý về thực thi quyền lực của Nhà nước và cũng thường là người đại diện để bảo vệ quyền lợi hay biện hộ cho các cơ quan công quyền. Vì Canada là nhà nước liên bang với nhiều tiểu bang, vai trò của đội ngũ LS của Chính phủ lại càng trở nên quan trọng để đảm bảo thực thi pháp luật thống nhất trong đất nước.

Đội ngũ LS của Chính phủ được xem là một bộ phận của đội ngũ LS công. LS của Chính phủ là LS thuộc cơ quan công quyền, sẽ đưa ra tư vấn và tranh tụng đại diện cho nhánh hành pháp của cả ba phân cấp nhà nước: liên bang, tiểu bang và địa phương. Ngoài ra, LS công còn bao gồm đội ngũ làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty công ích hoặc tòa án.

Các LS của Chính phủ, về cơ bản, sẽ đại diện cho cơ quan hành pháp, bởi nhánh lập pháp sẽ có những chuyên gia tư vấn pháp lý độc lập. Tuy vậy, LS của Chính phủ cũng thường xuất hiện tại Nghị viện cùng hoặc đại diện cho Bộ trưởng Tư pháp để giải thích và làm rõ các quy định pháp luật. Điều này cũng có nghĩa họ đại diện cho Bộ Tư pháp để diễn giải về dự luật do cơ quan hành pháp đề xuất để cơ quan lập pháp xem xét ban hành.

Về đạo đức nghề luật đối với LS của Chính phủ, các chuyên gia có quan điểm trái ngược nhau. Một số học giả cho rằng LS của Chính phủ có nhiệm vụ đặc biệt hơn nên cần có trách nhiệm đạo đức nghề luật cao hơn. Số ít khác đồng ý với tính chất về nhiệm vụ của LS Chính phủ, nhưng không đồng tình về việc cần có tiêu chí đạo đức nghề luật cao hơn.

Nhưng cần hiểu rõ rằng, LS của Chính phủ không chỉ là LS làm việc trong các cơ quan công quyền, cũng không phải là công chức có giấy phép hành nghề LS. LS của Chính phủ cùng lúc vừa là LS, vừa là công chức nhà nước, là những người được giao trọng trách xây dựng, diễn giải và đảm bảo việc thi hành pháp luật của các cơ quan công quyền nơi họ làm việc. Chính điều này tạo nên những vấn đề và trách nhiệm riêng đối với đội ngũ LS Chính phủ.

Để đảm bảo việc thực thi quyền lực nhà nước, thượng tôn pháp luật và các yếu tố khác, có ý kiến cho rằng, LS của Chính phủ cũng cần chịu trách nhiệm giải trình theo một hình thức nào đó hoặc cần phát triển những tiêu chuẩn hành nghề cụ thể dành riêng cho nhóm LS này. Bên cạnh đó, cần xem xét thành lập Phòng Trách nhiệm nghề nghiệp của LS Chính phủ để thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức hành nghề và tiếp nhận điều tra các khiếu nại đối với nhóm LS này. Theo đó, nếu được thành lập, các Phòng này cũng có thể trực thuộc Bộ Tư pháp hoặc các cơ quan có liên quan ở các tỉnh hoặc vùng lãnh thổ thuộc Canada.

Mai Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/canada-doi-ngu-luat-su-chinh-phu-dong-vai-tro-quan-trong-trong-he-thong-phap-luat-post534209.html