Canada khẳng định quan hệ thương mại mạnh mẽ với Việt Nam
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, với giá trị thương mại hai chiều đạt 7,98 tỷ CAD trong năm 2019.
“Canada và Việt Nam có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ, được xây dựng trên nền tảng quan hệ giao lưu nhân dân tốt đẹp."
Bà Kendal Hembroff, Tổng Giám đốc phụ trách đàm phán và chính sách thương mại thuộc Bộ các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC), đã nhận xét như vậy tại hội thảo trực tuyến ngày 1/10 do Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam tổ chức.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều đạt 7,98 tỷ CAD (tương đương 6,01 tỷ USD) trong năm 2019, so với mức 6,5 tỷ CAD năm 2018.
Đối với thị trường giáo dục Canada, Việt Nam là nguồn du học sinh quốc tế lớn nhất trong ASEAN và đứng thứ 5 trên quy mô toàn cầu.
Sau một năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng tới 29,7%, trong đó xuất khẩu thiết bị điện tử tăng 72%.
Ở chiều ngược lại, tổng giá trị xuất khẩu của Canada sang Việt Nam cũng tăng đột biến, với 230,7% đối với mặt hàng thịt và 61,2% đối với ngũ cốc.
Bà Hembroff dự báo một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Canada và ASEAN sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Thỏa thuận sẽ giúp Việt Nam tối đa hóa các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam “nâng tầm” tác động tích cực của CPTPP trong những lĩnh vực có chung lợi ích.
Canada cùng với bốn nước trong ASEAN (Việt Nam, Singapore, Malaysia và Brunei) đều là thành viên của CPTPP. Canada và ASEAN đang triển khai Kế hoạch công tác trong khuôn khổ Tuyên bố chung giữa ASEAN và Canada về thương mại và đầu tư.
Hoạt động đầu tư và thương mại của Canada ở Đông Nam Á hiện không chỉ tăng mạnh về khối lượng, mà còn trải dài trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khai thác dầu khí, khoáng sản, công nghệ cao, viễn thông, chế biến thực phẩm, dịch vụ tài chính, hàng không…
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã nêu bật một thực tế là trong khi hoạt động thương mại của thế giới sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ được xu hướng đi lên, dù tốc độ tăng khiêm tốn ở mức 0,1%.
Với lợi thế là một “trung tâm” FTA ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận với thị trường 660 triệu người tiêu dùng của ASEAN, cũng như tới các thị trường quan trọng khác tại khu vực.
Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu hải sản của Canada. Trong khi đó, Canada có thể là cửa ngõ để các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập các thị trường khác ở châu Mỹ.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt NamJulie Nguyen cho biết, cơ quan này đã triển khai nhiều hoạt động để kết nối doanh nghiệp và cung cấp thông tin về trao đổi thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Hội thảo trực tuyến về trao đổi chính sách kinh tế-giáo dục và kết nối doanh nghiệp lần này, với sự tham dự của đại diện các cấp của chính phủ Canada và khoảng 80 doanh nghiệp, cho thấy hợp tác kinh tế đang trở thành mối quan tâm lớn, nhất là trong bối cảnh các bên đang thăm dò khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại tự do Canada-ASEAN, và vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng khẳng định Canada nhận thức rất rõ rằng trọng tâm kinh tế trên thế giới đang dịch chuyển về châu Á và cụ thể là hướng tới khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Canada-ASEAN có tiềm năng tăng trưởng mạnh, giới chuyên gia Canada cho rằng cần thiết lập một cơ cấu để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và thích ứng với các xu hướng, các thách thức mới trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.
Một FTA giữa Canada và ASEAN được kỳ vọng sẽ đem đến một nền móng vững chắc để đẩy mạnh cam kết và hợp tác giữa hai bên./.