Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ghế bọc đệm Việt Nam

Sản phẩm ghế bọc đệm dùng trong sinh hoạt có mã HS 9401.40; 9401.61 và 9401.71 từ Việt Nam vừa bị Cơ quan Biên phòng Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm từ Việt Nam

Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa thông tin, Cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) đã chính thức khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ghế bọc đệm từ Việt Nam. Cùng bị điều tra trong vụ việc này là sản phẩm ghê bọc đệm xuất xứ Trung Quốc.

Hàng hóa bị điều tra là các loại ghế bọc đệm dùng trong sinh hoạt có mã HS 9401.40; 9401.61 và 9401.71.

Thời kỳ điều tra trong vụ việc được CBSA xác định từ ngày 01/6/2019 đến 30/11/2020. Đây là thời kỳ Cơ quan Biên phòng Canada thu thập thông tin để đưa ra các kết luận trong vụ việc.

Cùng với việc khởi xướng, theo quy định tại Đạo luật về các biện pháp nhập khẩu đặc biệt (SIMA), CBSA đã ban hành 2 Bản câu hỏi điều tra về trợ cấp và tình hình thị trường đặc biệt dành cho Chính phủ Việt Nam.

CBSA sẽ tiến hành điều tra sơ bộ và dự kiến ban hành Kết luận sơ bộ trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng (dự kiến ngày 21/3/2021). Hiện tại, CBSA đã ban hành bản câu hỏi và yêu cầu Chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cần trả lời bản câu hỏi và gửi về CBSA trước ngày 27 tháng 01 năm 2021 bằng hình thức thư điện tử.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam hợp tác đầy đủ, toàn diện với CBSA trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi. Trong điều kiện cho phép, doanh nghiệp có thể nghiên cứu tìm kiếm luật sư, nhà tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đối với thị trường Canada để đảm bảo hiệu quả hợp tác cao nhất.

Doanh nghiệp cần liên lạc với CBSA để đăng ký tham gia, nhận và nghiên cứu kỹ hướng dẫn và trả lời Bản câu hỏi điều tra. Trong đó, thời kỳ điều tra bán phá giá và trợ cấp là thời kỳ thu thập dữ liệu chính trong Bản câu hỏi điều tra. Do thời kỳ này có thể lệch với năm tài chính, khi trả lời cần điều chỉnh, chiết xuất dữ liệu theo đúng thời gian yêu cầu này.

Doanh nghiệp cần trả lời đầy đủ, chính xác các nội dung trong Bản câu hỏi điều tra; đảm bảo phù hợp, thống nhất với hệ thống quản trị, lưu trữ của doanh nghiệp khi CBSA tiến hành điều tra tại chỗ tại trụ sở nhà máy/văn phòng của doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị CBSA gia hạn tối đa thời hạn nộp Bản trả lời câu hỏi.

Đồng thời, phối hợp với các đối tác nhập khẩu tại Canada tìm hiểu liệu ngành sản xuất trong nước (trường hợp này là Công ty Nội thất Pallister) có thực sự bị thiệt hại hay không, thông qua nghiên cứu thị trường và/hoặc các báo cáo tài chính niêm yết và/hoặc các nguồn thông tin đang tin cậy khác.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để cùng xử lý vụ việc với mục tiêu đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Cơ quan này cũng khuyến cáo, việc bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc CBSA sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá, giá và thuế chống trợ cấp cao nhất do Bên yêu cầu đề xuất. Việc bị áp dụng thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Canada và/hoặc các đối thủ cạnh tranh khác.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canada-khoi-xuong-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-chong-tro-cap-ghe-boc-dem-viet-nam-d135729.html