Canada mong muốn gắn kết hơn nữa với Việt Nam

Theo Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada Robert Bissett, ưu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly trong chuyến thăm Việt Nam là khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ song phương.

Ông Robert Bissett, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông Robert Bissett, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12-14/4.

Trả lời phỏng vấn độc quyền báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến thăm, ông Robert Bissett, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, nêu bật ý nghĩa và tiết lộ trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly.

Xin ông đánh giá về mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly, đặc biệt trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023?

Đây là chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 12-14/4.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Melanie Joly sẽ gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng như các quan chức của Chính phủ Việt Nam.

Về phía Canada, chuyến thăm có ý nghĩa hết sức đặc biệt bởi nó nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa Canada và Việt Nam.

“Canada là đối tác mạnh mẽ, tin cậy và hiệu quả của Indonesia, Việt Nam và ASEAN. Những dịp kỷ niệm nhiều thập kỷ hợp tác là cơ hội tuyệt vời để điểm lại những kinh nghiệm và thành tựu của chúng ta. Tôi mong chờ chuyến thăm đến Indonesia và Việt Nam để hiểu rõ hơn về khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và đóng góp thành công vào một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bảo đảm an ninh, tự cường, phát triển bao trùm và bền vững hơn vì lợi ích của toàn thể nhân dân”. (Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly)

Đâu là những ưu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Canada trong chuyến thăm Việt Nam lần này, thưa ông?

Ưu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Canada trong chuyến thăm Việt Nam là nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ song phương.

Bà Mélanie Joly sẽ gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đồng thời, bà cũng sẽ có chuyến thăm thực tế tại tỉnh Thái Nguyên.

Trong các cuộc gặp, Bộ trưởng Mélanie Joly sẽ có cơ hội nêu bật quan hệ song phương lâu dài giữa Canada và Việt Nam tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Bên cạnh đó, bà Mélanie Joly cũng sẽ thảo luận về sự gắn kết của Canada trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt với các đối tác tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, thương mại song phương tiếp tục phát triển bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch. Theo ông, làm thế nào để hai nước duy trì và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trong bối cảnh hậu Covid-19?

Thương mại và đầu tư cũng là động lực quan trọng của mối quan hệ Việt Nam và Canada. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 10 trên thế giới của Canada.

Kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam vào năm 2019, các cơ hội mới đáng kể đã mở ra cho các nhà xuất khẩu hai nước vào thị trường của nhau.

Các lĩnh vực ưu tiên trong thương mại của Canada tại Việt Nam là nông nghiệp và nông sản, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sạch, hàng không vũ trụ và khoa học đời sống.

Bất chấp đại dịch Covid-19, hai nước vẫn tiếp tục được mở rộng quan hệ thương mại. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đã vượt thành tích năm 2020, đạt mức kỷ lục hơn 10,5 tỷ CAD bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch.

Tháng 11/2021, tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Canada đã đánh một dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Canada và khu vực ASEAN.

Hồi tháng Một, Canada và Việt Nam đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, giúp tăng cường đối thoại và hợp tác, thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương.

Ngoài ra, giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được phát triển mạnh mẽ thông qua các quan hệ giáo dục và trao đổi giáo dục giữa chúng ta. Kể từ tháng 12/2020, gần 19.000 công dân Việt Nam đã được cấp giấy phép sang Canada học tập.

Chúng tôi mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả này trong những năm tới, đặc biệt là vào năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly. (Nguồn: Macleans)

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly. (Nguồn: Macleans)

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Canada sẽ đến tỉnh Thái Nguyên để gặp gỡ phụ nữ dân tộc thiểu số và tìm hiểu thêm về cách thức hỗ trợ phát triển của Canada giúp củng cố các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm thúc đẩy sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể đưa ra một số lời khuyên cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền trẻ em gái, quyền của phụ nữ? Với tư cách là đối tác chính của Việt Nam trong vấn đề này, Canada có thể đóng góp như thế nào vào quá trình này?

Canada đã và đang nâng cao đáng kể vai trò lãnh đạo của chúng tôi về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ bằng chính sách đối ngoại nữ quyền.

Phù hợp với cam kết của Canada về xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở phạm vi toàn cầu, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã hỗ trợ các tổ chức địa phương trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Năm nay, chúng tôi đã hỗ trợ Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện dự án “Phụ nữ di cư lao động an toàn và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”. Chúng tôi cũng tài trợ cho trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Thái Nguyên thực hiện một dự án khác mang tên “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam”.

Dự án thứ ba Canada tham gia hỗ trợ cho các sáng kiến địa phương mang tên “Phụ nữ dân tộc thiểu số - Nhà vô địch của sự thay đổi - Trao quyền kinh tế và xã hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam".

Gần đây, tôi đã gặp gỡ các đối tác địa phương, điều phối viên và những người thụ hưởng của dự án này. Tôi rất ấn tượng và được truyền cảm hứng bởi tất cả các công việc do các đối tác địa phương của chúng tôi thực hiện nhằm đảm bảo quyền bình đẳng và tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe.

Các dự án do Canada hỗ trợ này nhằm khuyến khích phụ nữ tài năng tham gia quản lý xã hội và phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ.

Đại sứ quán Canada sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy quyền, trao quyền cho phụ nữ và giúp cải thiện sinh kế của họ.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Phương Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canada-mong-muon-gan-ket-hon-nua-voi-viet-nam-180047.html