Canada rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội

Sau rà soát, Canada sẽ xác định xem có nên tiếp tục áp thuế hay không và đưa ra kết luận trước ngày 12/4/2024.

Canada rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ 3 quốc gia

Canada rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ 3 quốc gia

Ngày 15/11/2023, Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) thông báo khởi xướng vụ việc rà soát thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Theo đó, CBSA sẽ xác định xem có nên tiếp tục áp thuế hay không và đưa ra kết luận trước ngày 12/4/2024.

CBSA đã gửi bản câu hỏi tới các bên liên quan gồm các nhà sản xuất trong nước của Canada, các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài và Chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Hạn cuối nộp bản trả lời câu hỏi là ngày 21/12/2023.

Cục Phòng vệ thương mại thông báo và khuyến nghị các bên liên quan thực hiện đúng hạn các bước điều tra theo cập nhật của CBSA.

Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam từ tháng 5/2018.

Sản phẩm bị điều tra là các mặt hàng thép cuộn cán nguội dạng cuộn hoặc dạng thanh có mã HS: 7209.15.00.00; 7209.16.00.00; 7209.17.00.00; 7209.18.00.00; 7209.25.00.00; 7209.26.00.00; 7209.27.00.00; 7209.28.00.00; 7209.90.00.00; 7211.23.00.00; 7211.29.00.00; 7211.90.00.00; 7225.50.00.00 sử dụng trong sản xuất các thiết bị gia dụng, ống thép, đồ nội thất... Sản phẩm thép cuộn cán nguội sử dụng cho sản xuất oto được miễn trừ khỏi đối tượng điều tra.

Thời kỳ điều tra là từ 01/04/2017 đến 31/03/2018.

Tháng 12/2018, Canada đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc, đưa ra biên độ phá giá 99,2% và biên độ trợ cấp 6,5% đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Biên độ phá giá và biên độ trợ cấp đối với Hàn Quốc lần lượt là 53% và 11,3%; với Trung Quốc là 91,9% và 11,6%. Mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp này có thời hạn trong 5 năm, tức là sẽ kết thúc vào năm nay nếu như Canada không quyết định gia hạn.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, Canada nói riêng và các quốc gia CPTPP nói chung ngày càng có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại mạnh mẽ.

Số lượng các vụ việc điều tra của các nước thành viên Hiệp định CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó, cho thấy mức độ chủ động và năng lực điều tra phòng vệ thương mại của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao. Số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay.

Trong đó, Australia hiện nay đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, tương đương với Canada; trong khi Malaysia cũng đã điều tra trên 10 vụ việc. Đặc biệt, tại thị trường Mexico ghi nhận 3 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, cả 3 vụ việc đều phát sinh mới từ năm 2019 trở lại đây - tức từ thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/canada-ra-soat-cuoi-ky-thue-chong-ban-pha-gia-va-chong-tro-cap-voi-thep-cuon-can-nguoi-115241.htm