Canada tìm hiểu về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Ngày 20/12, Đoàn Đại sứ quán Canada tại Việt Nam do bà Francesca Bellone – Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam làm trưởng đoàn đến thăm quan, khảo sát và tìm hiểu về mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Thuận Tiến (huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ).
Chuyến thăm nhằm mục đích trao đổi thông tin, thúc đẩy đối thoại giữa Việt Nam và Canada trong phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Đoàn Đại sứ quán Canada đã trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, đại diện hợp tác xã, người dân sản xuất lúa, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan về những thách thức và cơ hội trong triển khai Đề án này.
Chia sẻ về canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến cho biết, các thành viên hợp tác xã đều được tập huấn tham gia mô hình thí điểm Đề án; nông dân tin tưởng những khuyến cáo, quy trình canh tác lúa giảm phát thải, chất lượng cao để cùng nhau thực hiện.
Hiện hợp tác xã được hỗ trợ một phần chi phí đầu vào để canh tác 50 ha. Sau 2 vụ lúa thí điểm, thành viên hợp tác xã Thuận Tiến thấy được mô hình thí điểm thành công (giảm chi phí vật tư đầu vào, tăng khoảng 1 - 6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống...). Ngoài ra, nguồn rơm rạ được đưa ra khỏi ruộng để trồng nấm giúp tăng thu nhập cho nông dân và tránh được đốt rơm trên đồng ruộng gây phát thải. Đặc biệt, canh tác lúa giảm phát thải còn bảo vệ được sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường khi hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi mô hình thí điểm kết thúc, hợp tác xã không còn được hỗ trợ chi phí, hợp tác xã vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất lúa phát thải thấp, chất lượng cao- ông Khải khẳng định.
Nhận thấy tiềm năng của lúa giảm phát thải, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) đã hợp tác tham gia vào Đề án. Theo ông Lê Hải Triều, đại diện Công ty CP Hoàng Minh Nhật, đơn vị hiện xuất khẩu gạo sang một số thị trường như châu Âu, Canada... Công ty phối hợp một số doanh nghiệp xuất khẩu ở Nhật Bản để làm thương hiệu "Gạo giảm phát thải" của Đồng bằng sông Cửu Long.
Để xuất khẩu được sang khác thị trường khó tính đòi hỏi phải kiểm soát được vi lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... trong hạt gạo, vì thế Công ty Hoàng Minh Nhật phối hợp cùng nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp bằng cách giới thiệu cho hợp tác xã các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với quy định, hướng dẫn của Đề án; giúp nông dân tiết giảm chi phí đầu vào từ đó tăng thu nhập cho nông dân; sản xuất lúa đạt chất lượng, hạt gạo đạt chuẩn xuất khẩu.
"Để khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, khi thu mua lúa, kiểm tra chất lượng gạo đạt yêu cầu, tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ thưởng thêm cho nông dân bằng cách tăng giá cho 1 kg lúa", ông Lê Hải Triều cho biết.
Là doanh nghiệp sản xuất phân bón, Công ty CP Phân bón Bình Điền hỗ trợ nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp canh tác giảm chi phí đầu vào (giảm lượng phân bón 20 - 30%, thuốc bảo vệ thực vật giảm 1-2 lần phun thuốc,giảm lượng giống gieo sạ còn 60 - 70 kg/ha...). Ông Trần Tấn Thành, Trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ, là doanh nghiệp sản xuất phân bón nhưng công ty khuyến cáo nông dân sản xuất lúa giảm phát thải, chất lượng cao giảm 20 - 35% lượng phân bón bởi công ty cung cấp giải pháp để tiết kiệm phân bón nhưng tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân từ đó sẽ giảm phát thải trong canh tác lúa.
Lần đầu tiên tìm hiểu và tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, bà Francesca Bellone đánh giá cánh đồng lúa giảm phát thải, chất lượng cao được thực hiện rất quan trọng, giải quyết rất nhiều thách thức cho Việt Nam. Sản xuất lúa giảm phát thải có thể đóng góp giúp Việt Nam thực hiện được cam kết Net Zero.
Để Đề án tiếp tục thực hiện cần nhiều sự hỗ trợ, các hợp tác xã cần đưa ra các bằng chứng cụ thể về cải thiện sinh kế của nông dân, các tác động tích cực đến môi trường, giảm phát thải,... để thuyết phục được các tổ chức, đơn vị hỗ trợ.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai thực hiện ở 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Để huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động vận động các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, định chế tài chính quốc tế và tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn lực tập trung hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động triển khai tại các tỉnh, thành.