Canada và Panama ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm COVID-19

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện Tisch ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 ngày 14/12 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có 72,62 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi ghi nhận thêm hơn 526.181 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 1,61 triệu ca. Hiện còn 20,15 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 0,5%.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 ghi nhận tại Mỹ cao nhất thế giới, với lần lượt 179.220 ca và 1.347 ca.

Đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 16,72 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2 và 306.429 ca tử vong. Toàn khu vực Bắc Mỹ xác nhận gần 19,30 triệu ca nhiễm sau khi thêm gần 200.000 ca trong 24 giờ qua.

Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 21.395 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 690 ca tử vong do COVID-19.

Số ca nhiễm mới trong 1 ngày qua tại Brazil bằng 40% so với ngày trước đó. Tính đến nay, Brazil có tổng cộng 6,9 triệu ca nhiễm và 181.419 ca tử vong, cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại các nước tiếp tục cao.

Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực (28.080 ca), tiếp sau là Thổ Nhĩ Kỳ (26.919 ca), Anh (18.447 ca), Ý (17.938 ca) và Pháp (11.533 ca).

Châu Âu hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với tổng số ca nhiễm trên 21,65 triệu ca.

Châu Phi ghi nhận 16.320 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó Nam Phi có 7.999 ca và Maroc có 2.012 ca. Tổng số ca nhiễm tại châu lục này đã lên tới 2,39 triệu ca.

Chính phủ Eswatini thông báo Thủ tướng Eswatini Ambrose Dlamini ngày 13/12 đã tử vong tại một bệnh viện ở Nam Phi. Ông Dlamini, 52 tuổi, đã được đưa tới một bệnh viện ở nước láng giềng Nam Phi vào đầu tháng 12, 2 tuần sau khi ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Eswatini, trước đây gọi là Swaziland, là chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng của châu Phi.

Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm hơn 75.000 ca nhiễm, trong đó Ấn Độ có thêm 27.336 ca và Iran thêm 7.451 ca. Hiện toàn châu Á có tổng cộng 17,25 triệu ca nhiễm và khoảng 296.000 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Hàn Quốc đã xuống dưới mức 1.000 ca/ngày theo thông báo ngày 14/12 do ít xét nghiệm hơn vào dịp cuối tuần sau khi lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày vào ngày hôm trước.

Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy nước này có thêm 718 ca nhiễm mới, trong đó 682 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 43.484 ca.

Riêng khu vực Seoul và vùng phụ cận ghi nhận 473 ca (chiếm 65%).

Bắt đầu từ ngày 14/12, cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ thực hiện xét nghiệm miễn phí tại 150 cơ sở tạm thời mới được triển khai ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, đồng thời duy trì hoạt động đến hết tháng 1/2021.

Hoạt động xét nghiệm được thực hiện cả với những người không có triệu chứng hoặc không tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19. Những người đến làm xét nghiệm cũng không cần phải cung cấp thông tin cá nhân.

Hàn Quốc từng được coi là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 khi duy trì hầu hết các hoạt động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp.

Sau khi số ca nhiễm mới lên tới 909 ca/ngày vào ngày 29/2 (do xuất phát từ ổ lây nhiễm tập thể của giáo phái Tân Thiên Địa ở TP Daegu), số ca nhiễm mới theo ngày duy trì chủ yếu ở mức hai con số (hoặc dưới 400 ca/ngày) trước khi tăng đột biến kể từ cuối tháng 11 vừa qua và đạt đỉnh mới là 1.030 ca vào ngày 13/12.

Phát biểu tại phiên họp diễn ra cùng ngày ở thủ đô Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh việc thực hiện kế hoạch nâng mức cảnh báo lên cấp độ 3 (mức cao nhất) đòi hỏi phải được kiểm tra cẩn thận mặc dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các chuyên gia và người dân nhằm hạn chế sự gia tăng nhanh chóng của các ca mắc mới.

Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch tăng cường đang được áp dụng.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đang cân nhắc tăng cường các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 sau khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao trong tuần vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chính quyền Tokyo đang thảo luận việc tiếp tục yêu cầu các cửa hàng ăn uống rút ngắn thời gian mở cửa đến 22 giờ hằng ngày, thời gian áp dụng kéo dài đến ngày 11/1 năm sau, đồng thời xem xét khoản tiền hỗ trợ cho các cửa hàng do doanh thu bị giảm sút.

Đối với chiến dịch kích cầu du lịch (Goto Travel), chính quyền thủ đô Tokyo sẽ đề xuất Chính phủ Nhật Bản tạm thời loại bỏ Tokyo ra khỏi danh sách đối tượng thuộc diện ưu đãi của chiến dịch này.

Hiện Tokyo vẫn đang tiếp tục kêu gọi những người trên 65 tuổi hạn chế tham gia chiến dịch này do đây là đối tượng dễ biến chứng nguy hiểm khi mắc COVID-19.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249978/canada-va-panama-ghi-nhan-them-nhieu-ca-nhiem-covid-19.html