Căng bạt sống cạnh đường quốc lộ, bám trụ nơi vùng lũ

Chiếc ô tô vừa đỗ, bỗng hàng loạt mái đầu nhô lên khỏi hàng phi lao, trên những đụn cát ven đường. Đã 2 ngày nay, họ đã quen với việc sẽ có những chuyến xe cứu trợ mang những thùng mì tôm, nước uống, suất cơm đến san sẻ với đồng bào vùng lũ lụt tỉnh Quảng Bình.

Ngồi co ro trên đụn cát, nước da tái đi vì lạnh, cô Phạm Thị Miện, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình lấy thêm chiếc túi nilon đội vào đầu, cố ngồi đợi cho có đủ suất cơm mang về chia cho người già, trẻ em đang tránh trú trong trường học.

Người đàn bà lam lũ của vùng đất “khóc vì nước” chỉ biết nói câu “mọi thứ trôi hết rồi”. Nhà cửa giờ chìm trong nước lũ, cô Miện không biết làm gì hơn là ngồi ở đây đợi những tấm lòng hảo tâm để sống qua ngày, chờ nước lũ rút đi.

 Cô Miện nâng niu, cất đi từng hộp thức ăn và quần áo được cho.

Cô Miện nâng niu, cất đi từng hộp thức ăn và quần áo được cho.

Cũng giống như cô Miện, chị Vũ Thị Lợi, xã Hồng Thủy chạy lũ cũng mấy ngày hôm nay. Hai đứa con, một đứa 6 tuổi, một đứa chưa đầy năm gửi ở nhà chú để ra đứng bên vệ đường xin thức ăn mang về cho con.

Đồ đạc theo người không có gì ngoài chiếc nón đã long cả vành và chiếc áo mưa giữ ấm, chị Lợi ngồi xoa tay bên đống lửa xua đi cơn gió lạnh đang lùa qua hàng phi lao, nhưng chắc không thể lùa đi cái đói nghèo vừa đi qua cuộc đời chị một cách quá bất ngờ. Chị bảo: “Mấy hôm trước nước cũng lên nhưng chỉ xâm xấp rồi rút ngay. Ai ngờ 2 ngày hôm sau nước lên nhanh quá, lút lên quá đầu, đồ đạc trong nhà trôi sạch, giờ không biết sống ra sao”.

 Chị Vũ Thị Lợi không khỏi thẫn thờ khi mất hết tài sản.

Chị Vũ Thị Lợi không khỏi thẫn thờ khi mất hết tài sản.

Mấy ngày lăn lộn với nước lũ, tay chân ông Trần Trọng Châu tím tái hơn. Cầm túi thức ăn vừa nhận, ông Châu vẫn không tin những gì mình vừa trải qua. Ông chia sẻ “tôi đứng đây cầu mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, dù chỉ là chai nước nhưng cũng đủ cầm cự để sống qua những ngày ngập lụt này”.

Lo về cái ăn qua ngày chỉ là một phần, điều ông Châu lo nhất là lũ đi rồi thì ông và làng xóm sẽ sống ra sao khi trong tay không còn bất cứ một cái gì.

 Huy Hùng ngồi đợi xin đủ suất ăn cho cả gia đình.

Huy Hùng ngồi đợi xin đủ suất ăn cho cả gia đình.

Còn cậu bé Phạm Huy Hùng không thể ngờ rằng cuộc đời mình lại có ngày phải ra đường đợi từng suất ăn. Nhà có 2 hồ nuôi tôm, cuộc sống có thể gọi là khá giả ở cái vùng quanh năm nắng gió, ngập lụt này, vậy mà chỉ sau 1 đêm nước lũ tràn về, cả nhà Hùng 9 người phải đi ở nhờ, còn Hùng thì ra đụn cát này căng bạt, đốt vài thanh củi xua từng cơn gió ngấm qua da thịt để chờ đợi từng chuyến xe cứu trợ.

Khi số người mất nhà tăng lên con số hàng chục nghìn thì những khu công cộng như trường học, ủy ban xã cũng chỉ đủ chỗ cho người già và trẻ em. Còn đó rất nhiều trường hợp phải căng bạt sống bên lề đường trong cảnh màn trời chiếu đất. Đồ đạc theo người chỉ là tấm áo mưa. Gương mặt họ vẫn chưa khỏi thất thần bởi diễn biến quá nhanh của cơn lũ lịch sử này.

 Dọc đường, rất nhiều người không nhà cửa, tài sản chờ được cứu trợ.

Dọc đường, rất nhiều người không nhà cửa, tài sản chờ được cứu trợ.

Cô Trần Thị Minh nhà ở tận đường Hồ Chí Minh, cứ ngỡ ở đó thì yên tâm không bị ngập, vậy mà khi nước lũ đổ về ồ ạt, hai vợ chồng cô chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người. Cắm chốt ngay bên vệ đường quốc lộ, cô Minh mong nước rút sớm để thoát cảnh vô gia cư chứ không còn hy vọng gì cho những tài sản trong nhà nữa.

 Cô Trần Thị Minh dựng túp lều ven đường sống tạm qua ngày.

Cô Trần Thị Minh dựng túp lều ven đường sống tạm qua ngày.

 Mất trắng mọi thứ, người dân chỉ biết rơi nước mắt.

Mất trắng mọi thứ, người dân chỉ biết rơi nước mắt.

Nhìn cảnh mưa cứ rơi và nước cứ lên, cô Minh không khỏi tủi thân, rớt nước mắt. Hai vợ chồng cô chắc phải nỗ lực rất lâu nữa mới có thể gượng dậy sau cơn lũ. Đây cũng là nỗi buồn, nỗi lo của hàng nghìn người dân ở thành phố gần biển ven sông này.

Bài, ảnh: THU HÀ – CHU ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cang-bat-song-canh-duong-quoc-lo-bam-tru-noi-vung-lu-641630