Cảng biển nhỏ và tham vọng hàng hải lớn của Sri Lanka
Vụ hỏa hoạn trên một tàu container ngoài khơi Sri Lanka đã bộc lộ những rủi ro xuất phát từ mục tiêu của nước này trở thành trung tâm hàng hải sôi động nhất thế giới.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin tàu MV X-Press Pearl đã cháy trong 13 ngày, thải hàng tấn hóa chất và hạt vi nhựa ra biển. Sẽ phải mất từ 500-1000 năm để những hạt vi nhựa này phân hủy và nhiều khả năng chúng sẽ theo dòng nước biển lan tràn khắp Sri Lanka. Nhiều sinh vật biển đã tử vong khi nuốt phải những hạt vi nhựa này. Ngoài ra, 300 tấn dầu nhiên liệu từ con tàu này cũng rò rỉ ra Ấn Độ Dương.
Sri Lanka sở hữu vị trí “đắc địa” với trung bình 200 tàu vận tải và tàu chở dầu di chuyển qua mỗi ngày trên tuyến đường biển nhộn nhịp nối giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu. Sri Lanka đồng thời là trung tâm chuyển tải lớn nhất tại Nam Á, điều này đồng nghĩa với việc một số tàu biển lớn nhất thế giới thường cập cảng tại nước này để dỡ và chất hàng hóa.
Colombo cách Singapore 4 ngày đi biển và 4 ngày rưỡi để đến Dubai (Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất). Như vậy Colombo là cảng duy nhất giữa hai địa điểm có thể đón những tàu hàng chứa trên 18.000 container.
Cảng Colombo hy vọng có thể năng năng lực thường niên lên 7,2 triệu container trong 4 năm tới.
Lãnh đạo cơ quan quản lý các cảng biển Sri Lanka-ông Daya Ratnayake chia sẻ: “Chúng ta có vị trí chiến lược và vô cùng quan trọng”.
Trong khi đó, Ấn Độ đang phát triển cảng nước sâu Vizhinjam ở mũi phía Tây Nam và dự định xây dựng cảng khác tại quần đảo Nicobar tại Vịnh Bengal. Cả 2 cảng biển này có thể cạnh tranh mạnh với Colombo.
Có tới 2/3 hàng hóa chuyển tải qua Sri Lanka có đích đến cuối cùng là Ấn Độ hoặc xuất phát từ quốc gia này. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc cũng thể hiện quan tâm muốn phát triển Sri Lanka trở thành điểm mấu chốt trong sáng kiến Vành đai, Con đường.
Kể từ năm 2014, tại cảng Colombo xuất hiện bến nước sâu 500 triệu USD do Trung Quốc vận hành. Nhưng năm nay, Sri Lanka tạo điều kiện để Ấn Độ xây một bến nước khác ngay bên cạnh.
Sri Lanka cũng xây một cảng nước sâu tại Hambantota, gần hơn với tuyến hàng hải giữa eo Malacca và Kênh đào Suez. Nhưng từ năm 2017, cảng biển này do Trung Quốc thuê. Điều này khiến các quốc gia phương Tây và Ấn Độ để mắt.
Trung Quốc chủ trương muốn phát triển Hambantota thành cảng hàng hóa có thể phục vụ và cấp nhiên liệu cho các tàu biển cỡ lớn dài 400 m. Hiện tại cảng Hambantota trở thành trung tâm chuyển tải cho hàng trăm hàng nghìn chiếc xe sản xuất tại Ấn Độ và Hàn Quốc để đến các quốc gia khác trên thế giới.