Cảng cá Phước Hội - trụ cột của vùng biển phía Đông Nam
Với hơn 1.000 tàu thuyền ngày đêm vươn khơi, cảng cá Phước Hội - một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất của tỉnh Lâm Đồng đang là tâm điểm của sức sống kinh tế biển khu vực Đông Nam. Mỗi ngày, hàng chục tấn hải sản cập bến, hàng trăm lao động tất bật trên bến dưới thuyền. Biển không chỉ nuôi sống biết bao thế hệ, mà còn thổi vào từng mái nhà nơi đây niềm tin, sự bền bỉ và khát vọng vươn xa.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá phường Phước Hội
Cảng cá - nhịp thở kinh tế biển
Phường Phước Hội được sáp nhập từ phường Phước Hội, phường Phước Lộc và xã Tân Phước (cũ) theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại phường Phước Hội. Sau sáp nhập, địa phương có diện tích 38,09 km² và quy mô dân số 49.480 người, trở thành một trong những phường đông dân, diện tích rộng và có vai trò trọng điểm của vùng ven biển phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng. Phường Phước Hội có gần 50.000 dân, trong đó khoảng 60% sống bằng nghề khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến hải sản. Nghề biển đã trở thành một phần máu thịt, không thể tách rời khỏi đời sống và văn hóa của người dân nơi đây. Có những gia đình ba thế hệ làm nghề biển, từ ông cha đến con cháu, gắn bó với từng cơn sóng, từng mùa cá nổi trôi.
“Có chuyến đi thuận lợi, cũng có khi sóng gió, về tay trắng. Nhưng ngư dân không bỏ biển. Biển là nhà, là nơi sinh kế, là trách nhiệm,” lão ngư Mai Văn Mến chia sẻ trong lúc cùng con trai chuẩn bị thuyền cho chuyến vươn khơi sắp tới.
Tâm điểm của hoạt động nghề biển ở Phước Hội chính là cảng cá - nơi được ví như “trái tim” của phường biển này. Mỗi ngày, từ tinh mơ đến chiều tối, cảng không lúc nào ngơi tiếng máy nổ, tiếng khay cá đổ xối xả xuống sạp cân, tiếng rao mời của tiểu thương và nụ cười của những ngư dân sau mỗi chuyến biển bội thu.
Tại đây, chuỗi dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng phát triển. Từ việc cung ứng nhiên liệu, ngư lưới cụ đến dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản, bảo quản đông lạnh… Nhờ đó, nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Các cơ sở sơ chế, kho lạnh, cơ khí tàu thuyền mọc lên quanh cảng, hình thành một hệ sinh thái kinh tế biển khá hoàn chỉnh. “Cảng cá này sống thì cả phường sống. Có hàng là có việc. Nhờ biển mà lo được cho gia đình, con cái học hành”, chị Nguyễn Thị Hằng chuyên bốc xếp cá chia sẻ.
Phát triển kinh tế biển bền vững
Chủ tịch UBND phường Phước Hội - ông Huỳnh Thanh Quốc Việt cho biết, trong định hướng phát triển của địa phương, kinh tế biển sẽ tiếp tục là mũi nhọn chiến lược. Trên cơ sở hạ tầng hiện có, phường đang triển khai kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng cá, xây dựng chợ hải sản đầu mối, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn, bảo hiểm, hỗ trợ nâng cấp tàu cá theo hướng hiện đại.
“Chúng tôi xác định rõ: Kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực, lâu dài. Cảng cá sẽ là trung tâm kết nối các ngành nghề, là đầu tàu kéo cả cộng đồng vươn lên”, ông Quốc Việt nhấn mạnh.
Song song đó, chính quyền cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi nghề, áp dụng công nghệ số trong đánh bắt, bảo quản và tiêu thụ hải sản. Công tác bảo vệ môi trường biển, phân loại rác tại cảng, xử lý nước thải cũng được đưa vào quy hoạch phát triển bền vững. Không chỉ là nơi mưu sinh, với người Phước Hội, biển còn là một phần của bản sắc, văn hóa và niềm tự hào. Lễ hội Cầu Ngư, lễ Nghinh Ông… vẫn được tổ chức hàng năm, như sợi dây gắn kết giữa con người với biển cả. Nhiều thế hệ lớn lên bên biển, hiểu rằng ra khơi không chỉ là vì cá mà còn vì giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền của đất nước từ mỗi tấc sóng xa bờ. Từng chuyến tàu vượt cửa biển không chỉ chở theo lưới và nhiên liệu, mà còn chở theo khát vọng, nghị lực của những con người chưa từng lùi bước trước sóng gió.
Phước Hội hôm nay, từ làng chài nhỏ ven biển đã vươn mình trở thành phường biển trụ cột của tỉnh Lâm Đồng mới. Dẫu còn nhiều thách thức, nhưng với bản lĩnh người đi biển, với quyết tâm của chính quyền và cộng đồng, nơi đây đang giữ vững một ngọn gió mang tên “sức sống từ biển”.