Cảng Chân Mây trở thành điểm trung chuyển của tàu container quốc tế: Nút thắt cần gỡ

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang muốn biến cảng Chân Mây thành điểm trung chuyển của các hãng tàu container lớn quốc tế để đi và đến các cảng lớn khác trong nước. Theo các doanh nghiệp, có những bài toán cần được giải nếu muốn khai thác tiềm năng này một cách bền vững.

Đến nay tròn một năm tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nghị quyết riêng nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Theo nghị quyết này, hãng tàu biển, đại lý hãng tàu thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ nhận mức hỗ trợ 210 triệu đồng/chuyến cập cảng.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), sẽ nhận mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container, với container 40 feet là 1,1 triệu đồng/container.

Một tàu container bốc dỡ hàng tại cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đại Phong

Một tàu container bốc dỡ hàng tại cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đại Phong

Những nút thắt cần tháo gỡ

Theo thông tin từ các bên liên quan (Cảng Chân Mây và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), đến nay đã có 1 hãng tàu quốc tế và 1 hãng tàu nội địa mở tuyến tàu container qua cảng Chân Mây.

Cụ thể, cảng đã thu hút được hơn 65 chuyến tàu vận chuyển container (44 chuyến nội địa và 21 chuyến quốc tế) với sản lượng tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 4 chuyến quốc tế với sản lượng tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa.

Ngân sách chi hỗ trợ các hãng tàu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng đến hết năm 2023 khoảng 18 tỉ đồng.

Theo đại diện của Cảng Chân Mây đây là những kết quả khích lệ bước đầu. Để có thể thu hút thêm các tàu hàng container trong tương lại thì cần giải quyết nhiều vấn đề.

Một trong số đó là một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng nên ngại thay đổi. Việc thay đổi cảng xuất, nhập khẩu hàng container còn phụ thuộc vào điều kiện thương mại đã ký kết với các đối tác nước ngoài.

“Giữa các doanh nghiệp, hãng tàu và các công ty logistics vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định; có khó khăn trong thu hút nguồn hàng do suy giảm thương mại toàn cầu cũng như trong nước”, ông Lê Chí Phai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, chia sẻ tại hội nghị đánh giá một năm Thừa Thiên Huế có chính sách mới thu hút tàu hàng container vừa diễn ra.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng container bày tỏ mong muốn cập cảng Chân Mây để rút ngắn khoảng cách, thời gian vận chuyển để giảm chi phí. Tuy nhiên, họ kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế có chính sách ưu đãi để thu hút tàu container đến làm hàng tại cảng Chân Mây, cần duy trì mức hỗ trợ và gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ hiện nay.

Hơn nữa, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị xếp dỡ hàng container tại cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Quản lý Khu kinh tế – Công nghiệp tỉnh cần kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics, cảng ICD, kho bãi, dịch vụ hậu cần để cùng với doanh nghiệp khai thác cảng thu hút các hãng tàu quốc tế được thuận lợi…

Đầu tư sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật

Trong một cuộc trao đổi với KTSG Online qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng đóng container, do đây là phương thức có nhiều ưu điểm như giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng suất lao động tăng…. Vì vậy, việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.

Theo các doanh nghiệp, cảng Chân Mây cần đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ để thu hút nhiều tàu hàng container. Ảnh: Đại Phong

Theo các doanh nghiệp, cảng Chân Mây cần đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ để thu hút nhiều tàu hàng container. Ảnh: Đại Phong

Theo ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, đước trước cơ hội này công ty đã không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện thiệt bị tại cảng vì vậy ông kỳ vọng nhiều hãng tàu nghiên cứu và khảo sát để sớm mở tuyến dịch vụ trung chuyển và tuyến vận tải quốc tế đến Cảng Chân Mây nhận/trả container trong thời gian tới.

Cụ thể, cảng Chân Mây hiện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng gồm kho ngoại quan diện tích 2.500 m2, bãi tập kết hàng container. Dự kiến quý 4-2024, giai đoạn 2 đê chắn sóng (tổng mức đầu tư 757 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương) sẽ hoàn thành, nâng tổng chiều dài đê chắn sóng của cảng lên 750 m, tăng năng lực khai thác hàng hóa.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, năm 2024 khu cang Chân Mây sẽ bổ sung công năng tiếp nhận, khai thác tàu container cho bến số 1, mở rộng kho bãi, đầu tư thêm thiết bị chuyên dụng phục vụ làm hàng container. Ngoài ra, cảng cũng sẽ mời gọi thêm hãng tàu mở tuyến hàng container quốc tế qua cảng Chân Mây.

Ông Toàn chia sẻ thêm với những đầu tư về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, nhiều hãng tàu sẽ biết đến để khai thác dịch vụ trung chuyển, giữa cảng Chân Mây và cảng Cái Mép chẳng hạn, mở định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian…

Được biết, cảng Chân Mây đã ký biên bản ghi nhớ giữa hãng tàu Regional Container Lines (RCL) đến từ Thái Lan và Công ty CP cảng Chân Mây về việc hãng tàu này sẽ triển khai mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng vào giữa tháng 12 năm nay. Teho đó, RCL sẽ triển khai nghiên cứu chuỗi luân chuyển hàng hóa và dịch vụ xếp dỡ container tại Cảng Chân Mây, sau đó lên kế hoạch triển khai đưa tàu tàu container về Cảng Chân Mây.

RCL là hãng tàu container duy nhất của Thái lan cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế. Tổng cộng RCL có 49 tàu container và một tàu đóng mới có sức chở lên đến 12.000 TEU. RCL liên tục mở rộng thị trường với hơn 133 mạng lưới kinh doanh tại 27 quốc gia trong khu vực Châu Á, Ấn Độ, Châu Phí và Trung Đông.

“Cảng Chân Mây sẽ cam kết hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho RCL về mọi mặt trong quá trình triển khai thực hiện công việc theo biên bản ghi nhớ này”, ông Toàn cho hay. Theo đó, Cảng Chân Mây cam kết chính sách hỗ trợ hãng tàu miễn phí lưu bãi và giảm đến 20% đơn giá cho tất cả các dịch vụ liên quan đến container. Đơn giá được căn cứ vào biểu giá dịch vụ cảng Chân Mây hàng năm.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cảng biển Thừa Thiên – Huế được xác định là cảng biển loại I.Trong đó, khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, vùng đông bắc Thái Lan.Khu cảng Chân Mây tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEUs hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn. Khu cảng Chân Mây đã được Bộ Giao thông vận tải bổ sung công năng khai thác tàu container.

Đại Phong - Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cang-chan-may-tro-thanh-diem-trung-chuyen-cua-tau-container-quoc-te-nut-that-can-go/