Căng cờ búa liềm trên dãy Hoàng Liên - Bài 3: Những 'hạt giống đỏ' nơi đỉnh trời
>>>Bài 1: Sức trẻ nơi đầu nguồn biên giới
>>>Bài 2: “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”
Bài 3: Những “hạt giống đỏ” nơi đỉnh trời
Theo vòng cung biên giới Si Ma Cai - Mường Khương, nếu cứ men dòng sông Chảy mà đi thì xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) là nơi cao nhất, tựa như “đỉnh trời” của vùng biên giới xa xôi này. Trên “đỉnh trời” ấy, dưới ánh sáng rạng soi của Đảng, người Mông, Phù Lá, Thu Lao, Nùng, Tu Dí… luôn đoàn kết vượt khó khăn, dựng xây cuộc sống mới và tạo nên những “phên dậu” chắc chắn bảo vệ biên cương Tổ quốc.
An cư nơi đầu nguồn nước chảy
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết về một chi bộ điển hình, anh Cao Xuân Phà, Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu giới thiệu ngay Chi bộ thôn Pạc Tà: Đây là chi bộ điển hình của xã trong công tác phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị. Trong khi công tác phát triển đảng viên ở 9 chi bộ thôn khác của xã gặp khó khăn, thậm chí phải đưa đảng viên từ nơi khác đến sinh hoạt, thì Chi bộ thôn Pạc Tà có đến 6 đảng viên tăng cường sang chi bộ khác.
Từ trung tâm xã Tả Gia Khâu, theo con đường bê tông phẳng lỳ, chúng tôi đến thôn Pạc Tà. “Pạc Tà” theo tiếng bản ngữ có nghĩa là đầu nguồn nước. Được biết, cách đây tầm 60 năm, 8 hộ đầu tiên đến vùng đất này định cư. So với các thôn, bản khác, nơi đây thuận lợi hơn vì có nguồn nước từ khe núi chảy về. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, cánh đồng của thôn cũng rơi vào cảnh “khát” nước. Nhiều năm trước, do không chịu được sự khắc nghiệt của tự nhiên, người dân ở các thôn, bản trong xã đã bỏ đi tìm miền đất mới, riêng người dân Pạc Tà vẫn bám đất quê hương.
Trong ngôi nhà xây kiên cố ở khu tái định cư của thôn Pạc Tà, đảng viên Lý Xuân Trang, người Phù Lá cùng mấy người bạn thưởng ấm trà ngon. Mấy hôm nay trời mưa nên về chiều, tiết trời lành lạnh, nhấp ngụm trà Tuyết shan, ngậm thật lâu trong miệng mới cảm nhận được mùi thơm, hơi ấm, vị ngọt lan dần từ đầu lưỡi đến cuống họng, thật sảng khoái. Đặt chén trà xuống, ông Trang rít điếu thuốc lào, thư thái nhả khói trắng lên trần nhà, rồi trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về hành trình xây dựng cuộc sống ấm no của người dân Pạc Tà.
Trước đây, nhà ông Trang vốn ở thôn Lao Chải. Năm 2014, theo chương trình quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư ở các xã vùng cao, biên giới, các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, gia đình ông cùng 40 hộ trong thôn và các thôn khác được chuyển đến khu tái định cư của thôn Pạc Tà. Đây hầu hết là những hộ ở xa khu dân cư, khó khăn về giao thông. Nhiều hộ khi biết được chủ trương như “nắng hạn gặp mưa rào”, hối hả chuẩn bị các điều kiện để đến nơi ở mới. Nhưng cũng có nhiều hộ không muốn di chuyển do khu tái định cư chỉ có quỹ đất ở, còn đất sản xuất vẫn ở nơi cũ. Thêm vào đó, di chuyển đến nơi mới đồng nghĩa với việc tạo dựng lại cuộc sống, sẽ có rất nhiều khó khăn.
Nắm được tâm lý của bà con, ông Trang cùng các đảng viên trong Chi bộ Pạc Tà và Lao Chải đến từng nhà tuyên truyền, giải thích. Nhớ lời Bác dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông và các đảng viên bàn nhau chuyển đi trước để làm gương. “Biết là sẽ có nhiều khó khăn khi xây dựng cuộc sống mới nhưng Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, mình phải gắng thực hiện” - ông Trang tâm sự.
Ở thôn, xã, ông Trang là một trong những đảng viên nhiều tuổi Đảng nhất, thêm vào đó còn là người có uy tín trong cộng đồng nên khi căn nhà của gia đình ông vừa dựng lên, 7 - 8 hộ, rồi tất cả các hộ cùng làm theo. Cuộc sống cứ thế sinh sôi. Pạc Tà giờ đây là nơi quần cư của 73 hộ với gần 300 nhân khẩu người Phù Lá, Mông, Nùng.
“Mỗi đảng viên tiên phong trên một mặt trận”
Người dân Pạc Tà đã được “an cư”, nhưng “lạc nghiệp” lại là một câu chuyện dài. Nhiều chục năm về trước, cuộc sống của người Pạc Tà gian truân vô cùng. Đất ở đây khô và nghèo dinh dưỡng nên trồng cây gì cũng khó. Thêm vào đó, bà con chủ yếu trồng giống địa phương, sản lượng không cao nên cuộc sống vô cùng thiếu thốn...
Tuy nhiên, với suy nghĩ “không chịu thua đói nghèo”, quyết diệt “giặc đói” như lời Bác Hồ dạy, Chi bộ thôn Pạc Tà đã họp và đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Lấy tinh thần gương mẫu, chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách một nhóm hộ, một mảng phát triển trong thôn. Người phụ trách nếp sống văn hóa, an ninh trật tự, người phụ trách kinh tế, trong kinh tế lại chia ra từng loại cây trồng, vật nuôi chủ đạo…
Còn nhớ cách đây gần chục năm, theo chủ trương chung, Tả Gia Khâu là một trong số các địa phương của tỉnh thực hiện dự án trồng cây trẩu. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ thôn triển khai, phần đông người dân Pạc Tà cho rằng chẳng có loại cây nào trụ được ở vùng đất đầy nắng gió, khô cằn này. Để biến suy nghĩ “không thể” của bà con thành “có thể”, các đảng viên trong chi bộ lại tiên phong thực hiện.
Đảng viên Hoàng Thị Liên cho biết: Cũng do thời tiết quá khắc nghiệt, cây từ khi gieo đến lúc nảy mầm, sinh trưởng chậm, tuy nhiên đến giai đoạn tẽ cành, bẻ tán, cây phát triển khá tốt, sau 5 năm trồng có thể thu hoạch quả lấy hạt, tạo nguồn thu ổn định cho người trồng.
Giờ thì khắp Pạc Tà là rừng trẩu bạt ngàn. Với giá bán 15.000 đồng/kg quả khô tại vườn, cây trẩu đã đem về nguồn thu đáng kể cho mỗi gia đình trong thôn. Thêm vào đó, cây thích nghi với vùng đất khô hạn, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với các loại cây khác nên có tác dụng phủ xanh, chống sa mạc hóa, bảo vệ nguồn nước.
Không chỉ trồng loại cây mới, người dân Pạc Tà còn trồng ngô, lúa giống mới cho năng suất, thu nhập cao hơn và mở rộng chăn nuôi trâu, bò. Nhà ít thì vài ba con, nhà nhiều trên chục con. Ở Pạc Tà không còn hộ thiếu đói như những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm, cả thôn còn hơn chục hộ nghèo. Pạc Tà hôm nay có nhiều ngôi nhà khang trang, những rừng cây xanh mướt và cả con đường bê tông rộng dài đến từng xóm. Trong câu chuyện phát triển kinh tế, người Pạc Tà cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn những đảng viên trong thôn đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu.
Gieo những “hạt giống đỏ”
“Muốn phát triển thôn, bản, xây dựng cuộc sống ấm no, yếu tố quan trọng nhất là phải làm tốt công tác phát triển đảng viên, bởi ở nơi khó khăn này, Đảng là sức mạnh, là kim chỉ nam trong mọi hành động”, anh Phu Sín Tờ, Phó Bí thư Chi bộ thôn Pạc Tà tâm sự.
Do đó, những năm qua, chi bộ luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, từ việc giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện, lựa chọn nhân tố tiêu biểu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mỗi năm, chi bộ đều kết nạp thêm từ 1 đến 2 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 16 đảng viên. Đặc biệt, có những gia đình cả vợ chồng đều là đảng viên, như anh Lù Dìn Thắng, chị Séo Thị Tải, hoặc anh em trong gia đình là đảng viên như anh Lù Dìn Cáo, anh Lù Dìn Đường…
Đặc biệt, thôn Pạc Tà có 16 đảng viên thì có tới 6 đảng viên được cử đi sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản khác, góp phần nâng cao tỷ lệ thôn, bản có đảng viên, thúc đẩy công tác phát triển Đảng ở địa phương. Đó là các đảng viên: Hoàng Thị Liên sinh hoạt ở Chi bộ thôn Sín Pao Chải; Lù Phủ Sài, Giàng Seo Mành sinh hoạt ở Chi bộ thôn Na Măng; Ly Chính Pao sinh hoạt ở Chi bộ thôn Lao Chải; Sùng Seo Thào sinh hoạt ở thôn Sàng Chải và Sùng Seo Chúng sinh hoạt ở thôn La Hờ. Trong đó, đảng viên Lù Phủ Sài được cử làm Bí thư Chi bộ thôn Na Măng.
Ở các chi bộ được cử đến, các đảng viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng các đảng viên trong chi bộ “đi sâu, đi sát”, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó có những đóng góp cho chi bộ tìm giải pháp lãnh đạo hiệu quả. Họ được ví như những “hạt giống đỏ” gieo khắp nơi để nhân lên mùa vàng.
Tạm biệt Pạc Tà - vùng đất nơi đỉnh dốc - Phó Bí thư Chi bộ Phu Sín Tờ cầm tay chắc nịch bảo: “Nhà báo lại về Pạc Tà chơi nhé, đến mùa hoa, trẩu nở trắng núi rừng!”. Chúng tôi sẽ còn về chứ, để du ngoạn dưới rừng trẩu xanh ngát; thăm những mô hình kinh tế mới của các đảng viên và cảm nhận cuộc sống ngày càng ấm no của đồng bào Phù Lá, Thu Lao, Mông… trên mảnh đất này.