Căng cờ búa liềm trên dãy Hoàng Liên - Bài cuối: Phát triển đảng viên - 'chìa khóa' mở cửa tương lai
>>>Bài 1: Sức trẻ nơi đầu nguồn biên giới
>>>Bài 2: “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”
>>>Bài 3: Những “hạt giống đỏ” nơi đỉnh trời
Bài cuối: Phát triển đảng viên - “chìa khóa” mở cửa tương lai
Trên hành trình đến những thôn bản vùng cao, gặp những đảng viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số, chúng tôi thấy không chỉ ở các chi bộ như Hồng Ngài (xã Y Tý, huyện Bát Xát), Nậm Ngấn (xã Nậm Sài, huyện Sa Pa), Pạc Tà (xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương), Na Cáng (xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai), mà còn nhiều chi bộ ở vùng khó khăn khác cũng đang giương cao cờ Đảng, làm tốt công tác ươm mầm “hạt giống đỏ”, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, giúp đồng bào vùng cao thêm ấm no.
Mỗi chi bộ là sức mạnh và niềm tin của đồng bào
Trở lại câu chuyện về những người “căng cờ búa liềm” ở Chi bộ thôn Hồng Ngài, xã Y Tý (Bát Xát), nơi bắt đầu của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều. Anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý tâm sự: Y Tý tuy là vùng đất xa xôi, khó khăn nhất huyện Bát Xát nhưng dự kiến đến hết năm 2019, xã sẽ đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Y Tý đã có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, ví dụ như tỷ lệ giảm nghèo (vượt 23%); giá trị thương mại và dịch vụ (vượt 50%); sản lượng cây xuyên khung (vượt 50%); diện tích nuôi thủy sản trên ao, hồ nhỏ (vượt 36%); xây dựng nông thôn mới (vượt 30%); phát triển đảng viên (vượt 28%)… Để đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến vai trò của các bí thư chi bộ, họ chính là sợi dây kết nối Đảng với nhân dân, qua đó phát huy được sức mạnh của tổ chức đảng ở cơ sở.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở Y Tý mà tại nhiều xã vùng cao khác của Bát Xát, sự lãnh đạo của đảng ủy xã, sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình của các đảng viên đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Sau 4 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 14,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, tăng 11,1 triệu đồng so với năm 2015. Dự kiến đến hết tháng 6/2020, huyện Bát Xát có 9 xã nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 40% so với nghị quyết; kết nạp 1.128 đảng viên, vượt 25,4% mục tiêu; toàn huyện chỉ còn 12 chi bộ thôn có dưới 5 đảng viên (giảm 35 chi bộ so với năm 2015); tỷ lệ chi bộ thôn, tổ dân phố có chi ủy chiếm 71,14%.
Theo đồng chí Giàng Thị Dung, Bí thư Huyện ủy Bát Xát, nhờ các tổ chức đảng làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở nên đã tạo được sức mạnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Nhiều chi bộ vùng đặc biệt khó khăn đã có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”.
Là 1 trong 3 huyện khó khăn nhất tỉnh, những năm gần đây, bức tranh vùng cao huyện Mường Khương có nhiều khởi sắc. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định “chìa khóa” tạo sự đổi thay cho các thôn, bản vùng cao trước hết là đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản trong sạch, vững mạnh. Tại thời điểm tháng 6/2012, Đảng bộ huyện Mường Khương có 42 chi, đảng bộ trực thuộc, với 1.800 đảng viên; tỷ lệ thôn, bản có chi bộ độc lập chiếm 31%. Toàn huyện còn 159 thôn, bản ghép chi bộ, có chi bộ ghép từ 4 đến 5 thôn, bản nên rất khó khăn trong sinh hoạt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết.
Đồng chí Lê Văn Đảm, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Khương cho biết: Với quyết tâm cao, trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Mường Khương đã kết nạp được 830 quần chúng ưu tú vào Đảng, bình quân mỗi năm kết nạp được 200 đảng viên, giai đoạn trước đó, con số này chỉ là 70 đảng viên. Tính đến hết tháng 6/2015, Mường Khương có 44 tổ chức cơ sở đảng, với 2.300 đảng viên; có 231/231 thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ độc lập. Năm 2018, Đảng bộ huyện kết nạp 229 đảng viên, trong đó có 148 đảng viên người dân tộc thiểu số, 102 đảng viên nữ, đặc biệt, có 128 đảng viên có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm gần 56% tổng số đảng viên mới kết nạp. Những đảng bộ xã vùng cao tiêu biểu trong công tác phát triển đảng viên năm 2018 như là Dìn Chin (kết nạp 14 đảng viên); Lùng Khấu Nhin (kết nạp 13 đảng viên); xã Nậm Chảy, Tả Thàng, Pha Long (mỗi xã kết nạp 11 đảng viên)… Mỗi lần chi bộ vùng cao tổ chức kết nạp đảng viên, trong thôn vui như ngày hội, cờ búa liềm căng lên, lời tuyên thệ chắc như “đinh đóng cột”, chi bộ thêm đảng viên càng tăng thêm niềm tin và sức mạnh.
Nhiều giải pháp “gỡ khó”
Những năm qua, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với những cách làm sáng tạo ở các địa phương, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, tập trung ở những địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, thôn, bản có ít đảng viên.
Theo đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy về phát triển đảng viên, như Quyết định số 06 ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo, tham gia sinh hoạt tôn giáo; nâng cao chất lượng chi bộ thôn, bản giai đoạn 2017 - 2020 theo Kế hoạch số 61 ngày 18/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai; kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng theo Hướng dẫn số 13 ngày 4/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Nhờ đó, từ cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 100% thôn, bản có chi bộ độc lập; có 57.602 đảng viên, trong đó đảng viên ở thôn, bản chiếm 37,52%. Lào Cai phấn đấu đến năm 2020, 100% chi bộ nông thôn có từ 5 đảng viên chính thức trở lên, trong đó tối thiểu có 3 đảng viên là người địa phương.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lào Cai, dù 100% chi bộ thôn, bản có chi bộ độc lập, nhưng vẫn còn 111 chi bộ phải điều động đảng viên từ nơi khác đến; nhiều chi bộ thôn, bản số lượng đảng viên ít, năng lực lãnh đạo hạn chế, tính bền vững không cao... Ngày 18/1/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 61 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, bản giai đoạn 2017 - 2020. Kế hoạch chỉ rõ mục tiêu phải đạt được, đó là 95% chi bộ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có 50% trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nâng cao tính bền vững và sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, đến năm 2020 không còn chi bộ phải điều động đảng viên ở nơi khác đến; chú trọng phát triển đảng viên ở các thôn, bản có ít đảng viên, vùng đồng bào theo đạo Tin lành.
Theo đồng chí Ngô Hữu Quý, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên ở các thôn, bản vùng cao, cần phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phát động các phong trào, thông qua đó kịp thời phát hiện những cá nhân ưu tú, tích cực giới thiệu cho tổ chức đảng để bồi dưỡng, kết nạp khi có đủ tiêu chuẩn. Khi phát hiện nhân tố ưu tú, chi bộ cần kịp thời phân công đảng viên có nhiều kinh nghiệm, uy tín, có trình độ lý luận để theo dõi, động viên, giúp đỡ. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức làm việc của các cấp ủy hướng mạnh về cơ sở, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cấp ủy viên và bí thư chi bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tỉnh Lào Cai đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Việc chú trọng công tác phát triển đảng viên ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang có nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.