Căng cờ búa liềm trên dãy Hoàng Liên
Bài 4: Vững vàng tiến bước dưới cờ Đảng
>>>Bài 1: Sức trẻ nơi đầu nguồn biên giới
>>>Bài 2: “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”
>>>Bài 3: Những “hạt giống đỏ” nơi đỉnh trời
Bài 4: Vững vàng tiến bước dưới cờ Đảng
Trên địa bàn huyện Si Ma Cai chỉ có 3 xã biên giới, giáp với Trung Quốc là Si Ma Cai, Nàn Sán và Sán Chải. Các thôn biên giới hầu hết nằm tút hút gần bờ sông Chảy, cách xa trung tâm xã, điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn. Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên tại các chi bộ thôn, bản biên giới gặp không ít trở ngại, nhưng cũng có chi bộ với cách làm sáng tạo đã trở thành điểm sáng. Chi bộ Na Cáng, xã Si Ma Cai là một điển hình như thế.
Điểm sáng về phát triển đảng viên
Hơn 7 giờ, Si Ma Cai chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa lớn. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, cơn mưa mới tạnh, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt xuống thôn Na Cáng để gặp những đảng viên dân tộc Nùng tiêu biểu của vùng đất thượng nguồn sông Chảy. Trong ngôi nhà xây khang trang nằm lưng chừng dốc, nhìn ra xung quanh chỉ thấy rừng núi với những khối đá tai mèo khổng lồ dựng lên như cột chống trời, ông Lù Chá Hoan, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Na Cáng rót những chén trà nóng nghi ngút khói mời chúng tôi. Năm nay, ông Hoan xin nghỉ làm Bí thư Chi bộ để nhường cho lớp trẻ, nhưng những công việc lớn của chi bộ, của thôn không bao giờ thiếu người đảng viên cao tuổi này.
Ông Hoan cho biết: Thôn Na Cáng có hơn 70 hộ, chủ yếu là đồng bào Nùng. Trước đây, vùng đất này như “ốc đảo” bởi nằm lưng chừng núi, nhìn lên là núi đá, nhìn xuống là sông Chảy giáp với Trung Quốc. Từ năm 2017 đến nay, khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí, bà con đã góp công đổ bê tông 12 km đường xuống thôn nên việc đi lại dễ dàng hơn, nhiều người mới dám đi xe đến Na Cáng vào ngày nắng ráo. Ở nơi bộn bề khó khăn như vậy, việc phát triển đảng viên của Chi bộ Na Cáng cũng là một câu chuyện dài.
Năm 2012, ông Lù Chá Hoan được bầu làm Bí thư Chi bộ Na Cáng. Vào thời điểm đó, thôn Na Cáng chỉ có ông Lù Cồ Lẻng, bố ông Hoan, nguyên Chủ tịch UBND xã Si Ma Cai là đảng viên. “Cái khó ở đây là thiếu nguồn kết nạp đảng viên, vì một bộ phận người dân chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa của việc phấn đấu vào Đảng hoặc mải làm ăn nên không thiết tha vào Đảng. Mấy năm trở lại đây, việc phát triển đảng viên càng khó hơn do nhiều thanh niên lo vào Đảng sẽ không được sang Trung Quốc làm thuê nữa’’.
Nói rồi, ông Hoan kể chuyện mấy năm trước, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, chi bộ đã lựa chọn được 3 quần chúng nữ cử đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng nhưng sau đó, họ xin nghỉ do chồng không đồng ý hoặc do sinh con thứ 3, chồng vướng vòng lao lý, vướng mắc về lý lịch… 3 quần chúng nam khác cũng được chi bộ giới thiệu đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, sau cũng xin thôi vì muốn đi học nghề lái xe, đi làm ăn xa, có người học xong vợ lại sinh con thứ 3…
Tuy gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng trong 7 năm giữ cương vị Bí thư Chi bộ thôn Na Cáng, ông Lù Trá Hoan đã lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp được 4 quần chúng ưu tú vào Đảng, đó hầu hết là đảng viên trẻ, như: Lèng Seo Tỉnh (sinh năm 1991), Tài Sổ Văn (sinh năm 1989), Lù Chẩn Phà (sinh năm 1991), Phan Thị Tuyền (sinh năm 1982). Năm nay, chi bộ tiếp tục cử 1 quần chúng ưu tú là Vàng Dùng Siểu (sinh năm 1996) đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. So với nhiều chi bộ ở nơi khác, kết quả này không có gì ấn tượng, nhưng đối với các chi bộ ở khu vực vùng cao, biên giới như Si Ma Cai thì đây là “kỳ tích”.
“Một chi bộ chỉ có vài đảng viên tổ chức sinh hoạt đảng đã khó, nói gì đến hiệu quả trong thực hiện các nghị quyết, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy công tác phát triển đảng viên không thuận lợi nhưng tôi và các đảng viên trong chi bộ vẫn luôn kiên trì tuyên truyền, vận động, xây dựng và bồi dưỡng để chi bộ biên giới thêm vững mạnh”, ông Hoan tâm sự.
Người trẻ giương cao cờ Đảng
Khi chúng tôi đến gặp thì chàng thanh niên dân tộc Nùng - Lèng Văn Tỉnh đang bận rộn với công việc ở ngôi lán nhỏ đầu thôn. Dáng người dong dỏng cao, nước da sạm đen vì nắng gió, Lèng Văn Tỉnh thu hút sự chú ý của người khác bởi tác phong nhanh nhẹn, sự chững chạc và cách nói chuyện hài hước. Năm nay 28 tuổi, Lèng Văn Tỉnh hiện là Phó Bí thư Xã đoàn Si Ma Cai, cũng là Bí thư mới của Chi bộ thôn Na Cáng.
Từ trong chiếc lán nhỏ, Lèng Văn Tỉnh xách chiếc xô đầy ngô và cám xuống cho đàn vịt, ngan đang đòi ăn dưới ao nhỏ. Tỉnh dùng chiếc sào dài xua đàn ngan, vịt ra cho tôi chụp ảnh và khoe: “Em mới làm lán này để nuôi 350 con vịt, ngan, chỉ đôi tháng nữa là xuất chuồng được. Ở đây thời tiết mưa nắng thất thường, gia cầm hay bị bệnh nên cần làm tốt khâu phòng, chống dịch bệnh để vật nuôi khỏe mạnh, nhanh lớn”.
Tôi nhìn đàn vịt, ngan đang thi nhau kêu quàng quạc, con nào con nấy béo núc mà thầm thán phục ông chủ trẻ. Tính sơ sơ mỗi con khoảng 2 kg, nếu bán cả đàn này cũng được tầm 25 triệu đồng. Với nông dân vùng cao, khoản tiền đó không nhỏ. Trừ tiền mua con giống, thức ăn, lấy công làm lãi, thu nhập từ mô hình chăn nuôi này rất đáng để nhân rộng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Lèng Văn Tỉnh bảo để đổi mới mảnh đất vùng cao, biên giới, những thanh niên, đảng viên trẻ phải tiên phong đi đầu, giương cao cờ Đảng, gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn phát triển kinh tế để bà con làm theo. Thời gian gần đây, Chi bộ Na Cáng đã chỉ đạo và vận động người dân phát triển các mô hình kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cánh đồng Na Cáng trước kia chỉ được cấy lúa giống địa phương năng suất thấp, nay bà con chuyển sang giống lúa mới và mở rộng thành vựa lúa lớn nhất, nhì huyện Si Ma Cai. Nhiều hộ còn xuống giáp biên giới khai phá đất để trồng thông mã vĩ, trồng sa mộc và ngô, lúa. Cả thôn hiện có hơn 100 con trâu, 30 con bò, gần 200 con lợn, hơn 1.000 con gia cầm. Các đảng viên trẻ như Lèng Seo Tỉnh, Lù Chá Mìn, Thền Văn Khương… là những điển hình trong chăn nuôi theo Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy để phát triển kinh tế...
Cột mốc của tình quân dân
Lần này tới thôn Na Cáng, chúng tôi được đến Trạm Biên phòng Hóa Chư Phùng thuộc Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Trung tá Lê Duy Học cho hay: Ở nơi biên giới xa xôi này, cùng với các chiến sỹ biên phòng, mỗi người dân địa phương có đóng góp rất lớn trong việc phối hợp bảo vệ đường biên, mốc giới. Đặc biệt, vai trò của các đảng viên lại càng quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương, pháp luật về biên giới.
Là đảng viên, chiến sỹ biên phòng được cấp trên phân công tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Na Cáng từ đầu năm 2019 đến nay, trong các cuộc họp chi bộ, Trung tá Lê Duy Học thường tham mưu cho Chi bộ Na Cáng các biện pháp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, xử lý kịp thời các sự việc phát sinh; giúp người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
Gần trưa, mặt trời đã lên cao, rọi cái nắng gay gắt xuống vùng biên giới nơi đầu nguồn sông Chảy, chúng tôi theo các chiến sỹ biên phòng và đảng viên Chi bộ Na Cáng xuống cột mốc 171 (2) nằm sát bờ sông. Đường quanh co bám theo sườn núi, xuống dốc liên tục, một bên là vách núi đá cao, một bên là vực sâu, nhiều đoạn mặt đường có nước chảy, mọc đầy rêu trơn trượt. Càng xuống gần bờ sông, cái oi nóng càng tăng lên đến ngộp thở. Một số người dân đứng dưới gốc cây tránh nắng chờ chuyến đò sang sông.
Khi chúng tôi lên đến cột mốc 171 (2) đã thấy Trung tá Lê Duy Học, Bí thư Chi bộ Lèng Văn Tỉnh và các đảng viên khác đang tranh thủ cùng bà con dọn vệ sinh khu vực cột mốc biên giới. Nghe Trung tá Học nói chuyện với các đảng viên và bà con bằng ngôn ngữ địa phương, chúng tôi càng hiểu thêm rằng, dù ở biên giới xa xôi, vẫn còn trăm nghìn gian khó, khi các đảng viên gương mẫu đi đầu, ý Đảng hợp với lòng dân thì không khó khăn nào là không vượt qua được.