Càng đơn giản, càng nhiều hệ lụy

Những năm gần đây, lấy chồng người nước ngoài đang là lựa chọn của khá nhiều cô gái ở một số vùng quê Việt Nam. Bên cạnh những người tìm thấy bến đỗ bình yên nơi quê chồng thì vẫn có những cuộc hôn nhân 'vỡ mộng', đem lại nhiều hệ lụy mà cho đến nay vẫn trở thành nỗi đau nhức nhối đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó 72% là nữ. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong 10 năm (2008-2018), có tới 70.000 phụ nữ lấy chồng người nước ngoài. Điều đáng quan tâm là từ năm 2015, ở một số địa phương, số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài qua môi giới tăng đột biến.

Việc lấy chồng người nước ngoài một cách vội vã, thông qua môi giới khiến hôn nhân không hạnh phúc, rủi ro với cô dâu Việt vẫn thường xuyên diễn ra. Bởi, mấy ai chỉ một lần gặp mặt hoặc qua một bức ảnh đã có thể nảy sinh tình yêu. Chưa kể các đối tượng môi giới thường “nói tốt”, thậm chí đưa thông tin giả mạo về chú rể và hứa hẹn một viễn cảnh sống tốt đẹp. Đối tượng là những cô gái mới lớn ở nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc không có công việc ổn định, lại nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết.

 Nạn nhân của tội phạm mua bán người vừa trở về Việt Nam (bên trái, ngoài cùng) được giúp đỡ tại Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).

Nạn nhân của tội phạm mua bán người vừa trở về Việt Nam (bên trái, ngoài cùng) được giúp đỡ tại Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).

Clip một người đàn ông Hàn Quốc đánh vợ người Việt Nam suốt 3 giờ trước mặt con trai hai tuổi làm chị bị gãy xương sườn, khiến cộng đồng mạng bức xúc thời gian qua là một ví dụ. Người đàn ông này thừa nhận nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động trên, trong đó có việc anh ta “nói mãi mà không hiểu” vì vợ chưa thể giao tiếp được bằng tiếng Hàn. Việc lấy chồng qua môi giới cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Chúng giả kết hôn, sau đó sẽ bán các cô gái cho những ổ mại dâm hoặc bán cho những người đàn ông nước ngoài khác để kiếm tiền. Và thực tế là hầu hết các chú rể tìm đến dịch vụ môi giới là vì họ không thể lấy được vợ trong nước và nhiều người trong số đó là những lao động giản đơn, hạn chế về giáo dục, thân thế, nghề nghiệp và đều gặp khó khăn trong cuộc sống. Không ít trong số đó là người mắc dị tật, thậm chí bị tâm thần.

Chị Nguyễn Hoàng Hương, quê Sóc Trăng, là một nạn nhân của việc mai mối lấy chồng Malaysia rồi phải bỏ trốn. Theo chị Hương, vì nhà nghèo, cha lại cờ bạc, vay nợ phải bán nhà nên chị đành nhắm mắt đưa chân lấy chồng người Malaysia qua mai mối. Sau một thời gian chung sống, chị thấy chồng mình không bình thường. Gia đình chồng đối xử với chị hết sức khắc nghiệt. Khi chị có ý định trốn về Việt Nam thì phát hiện mình đã có thai. Chị đã cố gắng khắc phục khó khăn để hòa nhập với gia đình chồng nhưng không được. Sau khi sinh con được ít lâu, chị Hương phải bế con về Việt Nam khi chưa ly hôn. Ngoài việc đối mặt với dư luận xã hội thì con của chị cũng không thể làm thủ tục khai sinh ở Việt Nam. Bởi, khi lấy chồng người nước ngoài, chị Hương đã xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Bỏ trốn khỏi cuộc hôn nhân “ngoại”, chị Hương cũng như nhiều phụ nữ khác trở về quê hương, rồi lại rời quê đi các địa phương khác làm công nhân, gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Mối liên hệ với người cha của các em nhỏ không còn, mối liên hệ với người mẹ cũng ngắt quãng. Những đứa trẻ mang quốc tịch nước ngoài theo mẹ, đến tuổi đi học vẫn không làm được giấy khai sinh. Thủ tục để ly hôn với người chồng được hướng dẫn là trích lục giấy đăng ký kết hôn, có giấy xác nhận chồng không liên lạc hai năm trở lên và địa chỉ người chồng để cung cấp cho tòa án, nhưng các chị hầu như không có tiền trở lại quốc gia nơi chồng sinh sống để làm thủ tục, hơn nữa họ cũng sợ khi trở lại sẽ bị nhà chồng bắt.

Theo nhiều chuyên gia, việc gia tăng tình trạng lấy chồng người nước ngoài thông qua môi giới được lý giải hầu hết là do mong muốn thoát nghèo của cô dâu Việt; nhu cầu lấy vợ của chú rể nước ngoài và lợi nhuận của công ty môi giới. Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Sự thật cho biết: “Nguyên nhân tăng là do thủ tục kết hôn đã được đơn giản hóa. Luật Hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) đã bỏ bớt một số quy định đối với phụ nữ muốn lấy chồng người nước ngoài, như: Không cần biết tiếng nước ngoài, không cần biết phong tục, tập quán của nơi mình lấy chồng. Chính sự đơn giản hóa này kéo theo những hệ lụy hoặc kẽ hở để đối tượng xấu lợi dụng”.

GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, cho rằng: "Lấy chồng người nước ngoài một cách vội vã và chỉ thông qua môi giới, không tìm hiểu kỹ càng, có thể chỉ nhìn ảnh thôi mà đi sang tận nước đó để sống thì đây là một sự liều lĩnh. Nếu đã xác định lấy chồng người nước ngoài, trước hết phải học ngôn ngữ nước đó để có thể giao tiếp, bày tỏ tình cảm với chồng và gia đình chồng. Cùng với đó phải học văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử để có thể hòa nhập với xã hội nơi đó; học pháp luật của họ để biết quyền của mình ở đâu và mình vi phạm pháp luật khi nào. Tóm lại là phải học suốt đời để sau này có kiến thức nuôi dạy con cái, như vậy hạnh phúc mới bền vững".

Bài và ảnh: KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cang-don-gian-cang-nhieu-he-luy-591511